Khảo sát của VnExpress.net tại Hà Nội sách lậu xuất hiện ở nhiều cửa hàng trên phố hoặc khu vực gần các trường đại học. Giá bán thường thấp hơn mức niêm yết tại bìa khoảng 15-20%.
Chị Hoa, chủ một cửa hàng trên đường Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy lý giải: "Ai chả biết đây là sách in lậu nên mới có giá thế. Loại tem, mác đàng hoàng thì nhập có vài quyển mà mãi không bán hết, trong kho vẫn còn, giá đúng như bìa, không mặc cả. Tôi chỉ nhập thêm về, có ai hỏi thì mới bán".
Sách thật và sách lậu, theo chị Hoa, không khác về nội dung, chỉ hơn nhau về màu sắc, chất lượng giấy và in. "Loại giấy chuẩn, sắc nét. Còn loại rẻ tiền thì không được đẹp mắt bằng", chị nói.
Bản thân lực lượng chức năng đôi khi cũng không phân biệt được đâu là sách thật, sách giả. Ảnh: Hồng Châu.
Tuy nhiên, khi mở một số cuốn sách lậu, người ta dễ ràng nhận ra những khuyết điểm như lỗi về đề mục, phông chữ và cả nội dung. Sách lậu chủ yếu xuất hiện đối với các loại giáo trình, văn học, sách doanh nhân... "Giáo trình rất dễ bán, đặc biệt là tiêu thụ cho sinh viên, giá càng rẻ càng tốt. Còn các loại sách văn học, đặc biệt là tác phẩm nước ngoài thì tiền tác quyền đắt nên dễ bị in lậu", anh Nghĩa, chủ một cửa hàng sách gần trường đại học cho hay.
Từ năm 2012 đến nay, Nhà in Hà Nội không còn nhận hợp đồng in sách mà chỉ chuyên in hóa đơn cho doanh nghiệp. Một trong những lý do của sự chuyển hướng, theo ông Phùng Ngọc Tuấn, giám đốc đơn vị này là công ty gặp khó khăn khi thị trường sách lậu ngày càng hoành hành.
Tại TP HCM, tình trạng buôn bán sách lậu ở các vỉa hè như đường Trần Nhân Tôn (quận 5), Lý Thường Kiệt (quận 10), Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) đã dần dần giảm bớt, nhưng lại len lỏi mạnh hơn vào các nhà sách hay tiệm tạp hóa nhỏ. Một số loại sách tiếng Anh và sách bài tập từ lớp 3 đến lớp 6 cùng một số sách tham khảo đã bị in lậu với số lượng lớn. Quản lý thị trường TP HCM cho biết, những năm qua đã bắt được nhiều vụ với số lượng lớn, tuy nhiên, các sơ sở in lậu ngày càng tinh vi hơn và di chuyển đến các vùng ven và hẻo lánh nhiều hơn nên việc tiếp cận khó khăn.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Dương Bá Long, Giám đốc Công ty In sách Việt Nam cho biết sách lậu hiện nay chiếm khoảng 20-30% trên thị trường với cách thức ngày càng tinh vi, không chỉ sao chép toàn bộ nội dung mà còn gắn cả logo, con dấu của nhà xuất bản... không khác gì sách thật.
"Các loại tem của mặt hàng sách hiện nay không có quy chuẩn nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Tem vẫn do các nhà xuất bản phát hành mà các cơ sở in đều có thể sao chép được. Bản thân lực lượng chức năng đôi khi cũng không phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả", ông Long nói.
Cũng theo vị giám đốc này, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sách in lậu đang trở thành vấn nạn khó dẹp là do chế tài chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt hành chính nặng nhất hiện nay cũng chỉ vài chục triệu đồng.
"Trong khi đó, đơn vị in lậu có thể lãi 30-45% giá sản phẩm được bán ra, tiêu thụ lại dễ nên nhiều cơ sở sẵn sàng chịu phạt", ông Long cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Dũng - Giám đốc Công ty In Nhật Sơn cũng cho rằng mức lợi nhuận lớn, xử phạt chưa đến nơi đến chốn chính là lý do khiến các đơn vị in lậu vẫn tuồn hàng ra thị trường. Bên cạnh đó, đôi khi nhân viên các hãng phát hành cũng "đi đêm" để tuồn sách ra thị trường bán dưới dạng lậu.
"Ví dụ, nhà xuất bản xin được giấy phép 1.000 cuốn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị hay trốn tiền tác quyền bằng cách in nối bản, in vượt giấy phép. Nhân viên các nhà sách đôi khi lợi dụng kẽ hở này, tự chi tiền in thêm và bán với giá rẻ hơn", ông Sơn lý giải.
Ông Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cho biết, hơn một năm qua Nhà xuất bản đã phối hợp với cơ quan chức năng bắt hơn 10 vụ sách lậu với tổng số hơn 30.000 cuốn.
“Bị phát hiện và phạt tiền nhưng nhiều đơn vị kinh doanh vẫn cố tình tái phạm. Tình trạng in lậu vẫn đang tràn lan, con số bắt được chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm”, ông Quang chia sẻ.
Từ cuối năm ngoái đến nay, con số thiệt hại của công ty ước tính lên tới vài tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Quang, ảnh hưởng lớn hơn là về mặt giá trị. Bởi lẽ, người tiêu dùng sẽ mua phải sách giả không tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Nhiều sách in ẩu thường nhòe, chất lượng thông tin cũng như bài học không đảm bảo, thậm chí sai và chệch so với sách thật.
“Thông thường rất khó có thể phân biết được đâu là sách thật và giả. Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn người mua nên tới các nhà sách, hiệu sách lớn có uy tín”, ông Quang nói.
Ông cũng cho biết thêm, rất khó để dẹp bỏ nạn in lậu do vậy Nhà xuất bản đã sử dụng tem chống giả để nhận diện. Hiện, tất cả các nhà xuất bản đều dán tem hologram để người tiêu dùng phân biệt. Mới đây, công ty bắt đầu thử nghiệm phương pháp tem cào chống giả. Đây là loại tem dưới lớp cào sẽ có vài con số hiện ra, mỗi cuốn sách là một mã số khác nhau. Mã này cũng là mật khẩu để người đọc có thể truy cập vào website của nhà xuất bản. Nếu đăng nhập được sẽ là sách thật. Bên cạnh đó, để khuyến khích người dùng chung tay chống nạn sách lậu, khi đăng nhập bằng mật khẩu của thẻ cào, khách hàng còn được tải về một bộ sách điện tử khác đính kèm.
Để chặn tình trạng bán sách lậu quyết liệt hơn, theo các đơn vị xuất bản sách, cơ quan chức năng cần làm chặt chẽ từ cấp phép in ấn, đến kiểm tra, phát hành... Đồng thời, đưa ra nhiều hình thức xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể truy cứu hình sự.
Theo Hồng Châu - Ngọc Tuyên- vnexpress.net