Báo Thanh Niên thông tin, thẻ Căn cước công dân gắn chip là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nó có giá trị chứng minh về nhân thân và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.
Theo Bộ Công an, thẻ căn cước công dân gắn chip về cơ bản cũng giống như thẻ căn cước công dân mã vạch. Nhưng trên thẻ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch, mà nó sẽ thay thế bằng chip điện tử dung lượng lớn. Thẻ căn cước công dân gắn chip lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.
Theo báo Lao Động, Điều 21 của Luật Căn cước công dân 2014 chỉ rõ:
Căn cước công dân dù là mã vạch hay gắn chip đều có thời hạn sử dụng đến khi người được cấp đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Nhưng nếu đã được cấp trong 2 năm trước các mốc tuổi này, thì vẫn được sử dụng đến mốc tuổi tiếp theo.
Như vậy, căn cước công dân gắn chip có thời hạn sử dụng đến các mốc tuổi: đủ 25 tuổi; đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp công dân đó đã đủ 60 tuổi, tính đến thời điểm cấp thẻ, thì thời hạn sử dụng thẻ của họ là đến suốt đời, tức được sử dụng cho đến khi người đó mất mà không cần làm thủ tục đổi thẻ bất cứ lần nào nữa, trừ trường hợp thẻ bị mất, hoặc bị hư hỏng…
Khoản 2 Điều 21 của Luật Căn cước công dân quy định:
Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Như vậy, những người đi làm căn cước công dân gắn chip khi đủ 58 tuổi cũng được sử dụng thẻ cho đến khi qua đời, mà không cần phải đi đổi thẻ ở mốc đủ 60 tuổi.
Những người trên 60 tuổi đang sử dụng căn cước công dân mã vạch thì được tiếp tục sử dụng cho đến khi qua đời, mà không bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chip.