Dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đặc biệt quan trọng với đa số thí sinh khi điểm thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp mà còn là cơ sở để các trường đại học xét tuyển.
Càng gần kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian càng trở nên gấp rút đối với các sĩ tử. Nhiều học sinh tranh thủ từng chút thời gian để có thể tích lũy thêm những kiến thức mới, song hành với việc luyện đề và tổng ôn. Lịch học kín ngày và "cày" bài xuyên đêm là tình trạng chung của hầu hết học sinh lớp 12 thời điểm này.
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, em Đào Thanh Huyền, học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Viễn B (Ninh Bình) cho biết: “Em không quá áp lực vì bố mẹ cũng không thúc giục hay khắt khe nhiều. Thời gian này, lịch học một ngày của em khá dày đặc. Ngoài học chính khóa trên trường, những buổi học thêm là thời gian để ôn tập lại kiến thức đã học”.
Nguyện vọng đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Huyền chia sẻ, em xác định học tới đâu chắc tới đó. Huyền dành phần lớn thời gian buổi tối để ôn lại các kiến thức cơ bản đã học và luyện các bài nâng cao.
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Hồng Vân, giáo viên dạy môn Ngữ Văn (Bắc Giang) cho biết, thời gian này, ngoài dạy các kiến thức mới theo chương trình học, giáo viên cần hệ thống và liên kết lại các kiến thức cũ để học sinh không bị quên bài.
“Hơn nữa, môn Ngữ văn là không phải là môn học thuộc và bài viết cũng không thể theo một khung nhất định mà còn phải dựa trên lời văn cũng như cảm xúc của từng học sinh. Vậy nên việc hệ thống kiến thức và nội dung các tác phẩm văn học là điều cực kỳ quan trọng. Từ đó, học sinh có thể hiểu và tự phân tích được theo ý hiểu của chính mình mà không cần dựa vào việc học thuộc bài”.
Trước kỳ thi quan trọng, thời gian biểu của Phan Thị Khánh Huyền, học sinh Trưởng Trung học phổ thông Đội Cấn (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng dày đặc. Một ngày của em bắt đầu từ 6h sáng để tới trường và ca học muộn nhất kết thúc lúc 7h tối. Vội vã tắm rửa, ăn tối, cô nữ sinh tiếp tục ngồi vào bàn học đến 12 đêm.
“Em dự định xét tuyển khối D vào Đại học Công nghiệp Hà Nội. Em lo lắng nhất là môn văn vì kiến thức rất nhiều nên em hay bị nhầm lẫn,” Huyền chia sẻ trên Vietnam+.
Lo lắng, áp lực cũng là chia sẻ của Trần Thị Thảo Vy, học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Đăng Ninh, (Ứng Hòa, Hà Nội) dù còn cách kỳ thi hơn hai tháng. “Em thậm chí áp lực ngay từ đầu năm học. Mỗi ngày em học đến 12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng, buổi sáng dậy từ 4-5 giờ để học bài,” Thảo Vy chia sẻ.
Lịch học kín mít từ sáng tới đêm của các sỹ tử khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, em Phạm Trang (học sinh lớp 12A8, Trường THPT Châu Văn Liêm, Tp. Cần Thơ) chia sẻ với báo Lao Động, từ Tết đến nay em đã tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành chương trình, tập trung giải đề, tăng tốc cho kỳ thi.
“Hiện em đã ôn hoàn tất kiến thức của học kỳ I và đang tiếp tục hoàn thành chương trình học kỳ II, song song với đó là tập trung giải đề mỗi ngày”, Trang nói.
Theo kế hoạch của Trường THPT Châu Văn Liêm, Q. Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ nhà trường sẽ lên lịch ôn tập khoảng 4 tuần, rồi dành thời gian cho các em tự học để bước vào kỳ thi tốt nghiệp vào cuối tháng 6/2023.
Ôn thi tốt nghiệp THPT 2023 như thế nào?
Bộ GD&ĐT, cho biết phạm vi nội dung đề thi tốt nghiệp chủ yếu ở chương trình lớp 12, khuyến cáo học sinh bám kiến thức cơ bản và vận dụng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết như vậy về định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Ông Thành lưu ý: "Học sinh lớp 12 cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập đối với từng môn học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Các em chú ý xây dựng đề cương ôn tập ngay theo từng chương, từng chủ đề của chương trình đã học và tiếp tục cập nhật dần trong quá trình học tập các nội dung tiếp theo.
Nên xây dựng đề cương theo dạng sơ đồ hóa để dễ nhớ. Trên cơ sở đề cương đã xây dựng, cần luyện tập theo các câu hỏi, bài tập liên quan tới từng đơn vị kiến thức để nắm vững đơn vị kiến thức đó trước khi mở rộng luyện tập theo các câu hỏi, bài tập yêu cầu vận dụng các kiến thức liên quan trong từng chủ đề, từng chương của chương trình.
Qua đó nắm vững và vận dụng được kiến thức theo bốn mức độ yêu cầu của các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao".
Trước đó, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, thí sinh học tốt kiến thức cơ bản trung học phổ thông, đặc biệt của lớp 12, có thể làm được tốt 75% đề thi. Đây cũng là cơ sở tốt nhất cho việc đánh giá kết quả và xét tốt nghiệp trung học phổ thông. 25% còn lại là các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, để các thí sinh đạt các mức điểm 8, 9, 10 nhằm phân hóa là căn cứ để các cơ sở đào tạo sử dụng.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khuyên thí sinh nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo đã được Bộ GD&ĐT công bố để có thể thấy rõ ma trận đề thi.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới sửa đổi.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức từ ngày 27 – 30/6. Trong đó, ngày 27/6, thí sinh làm thủ tục dự thi; tổ chức coi thi vào ngày 28 và 29/6; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Kỳ thi năm 2023 diễn ra với ba bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).