Nhiều giáo viên nhận định vấn đề biển đảo có thể sẽ ít đề cập trong đề thi các môn xã hội để tránh trùng lắp với đề thi tốt nghiệp nhưng chủ đề yêu nước vẫn cần bám sát.
Hôm nay, 8/7, gần 750.000 thí sinh (TS) trên cả nước sẽ đến trường làm thủ tục đợt 2 kỳ thi ĐH-CĐ 2014. Đợt này có nhiều môn xã hội, các giáo viên nhận định đề thi năm nay sẽ bám sát thực tiễn.
Cần những suy nghĩ táo bạo, sắc sảo
Theo cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu (thuộc ĐHQG TP HCM), cấu trúc đề thi ĐH vẫn là câu 2 điểm, câu 3 điểm và câu 5 điểm. Trong đó, câu 1 nhiều khả năng sẽ là đọc hiểu. Câu 2 là nghị luận xã hội có thể không tiếp tục ra về vấn đề biển đảo nhưng chủ đề vẫn là lòng yêu nước. Đối với câu 3, đề sẽ không giống như thi tốt nghiệp THPT mà là câu đậm chất nghị luận văn học.
Một giáo viên tại TP HCM nhận định khả năng về sự kết hợp cả nghị luận xã hội với nghị luận văn học như đề thi tốt nghiệp vừa rồi sẽ ít xảy ra. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý một vấn đề có tính khả thi tức là có sự tích hợp, liên quan giữa câu 2 và câu 3 trong cùng một vấn đề ở trong một tác phẩm, đoạn trích.
Giáo viên này nêu dạng đề có thể gặp là: Đề bài 1:“Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng nghề nghiệp của mình… Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí “khổ hạnh” và ông lấy chính cuộc đời cầm bút dài hơn nửa thế kỷ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy” (SGK Ngữ văn 12 nâng cao). Câu 1 (5 điểm): Bằng hiểu biết về tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Câu 2 (3 điểm): Mỗi người chúng ta đều có một “công việc mơ ước”. Hãy viết một bài văn khoảng 600 từ về công việc đó và cho biết anh /chị phải làm gì để sống được với nghề.
Thí sinh dự thi đợt 1, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ tại Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: TẤN THẠNH
Để chủ động về thời gian trong khi làm bài thi, theo giáo viên này, TS nên chia thời gian 180 phút cho các câu như sau: Câu 1 khoảng 10-15 phút, câu 2 khoảng 70-75 phút, còn lại là câu 3. Với câu nghị luận xã hội, TS không nhất thiết phải viết đúng 600 từ mà có thể dài hơn và phải có dẫn chứng thực tế.
Một giảng viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng đối với các môn xã hội, TS nên thể hiện những suy nghĩ táo bạo, sắc sảo, thậm chí là quan điểm phản biện. Trong hướng dẫn chấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) luôn luôn ghi chú có thể chấm điểm với những bài làm có ý trả lời khác với đáp án nếu thuyết phục.
Bảo đảm đủ ý
Cô Vũ Như Thiên Hương, giáo viên Trường THPT Nhân Việt, nhận định đề thi ĐH năm nay sẽ ra chủ yếu trong chương trình lớp 12, trong đó có những câu đề cập đến vấn đề biển đảo nhưng khai thác ở khía cạnh kinh tế, giao thông, công nghiệp… Với hướng đổi mới trong cách ra đề thi của Bộ GD-ĐT thì đề sẽ không còn phần riêng, cũng không yêu cầu TS phải học thuộc một cách máy móc mà cần hiểu và vận dụng kiến thức thực tế để làm bài.
Để làm tốt bài thi lịch sử, tiến sĩ Trần Viết Nghĩa, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), lưu ý trước khi viết vào giấy thi, TS nên gạch ra giấy nháp những ý chính, ý nhỏ cho từng câu hỏi để bảo đảm đủ ý. Với những câu hỏi tổng hợp, TS cần chọn những nội dung, sự kiện tiêu biểu và có tính khái quát cao, tránh sa đà vào mô tả chi tiết.
Với môn địa lý, theo PGS-TS Đinh Văn Thanh, Khoa Địa lý Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), để được điểm cao, TS phải hiểu kỹ phần lý thuyết, biết cách nhận biết vấn đề cùng với kỹ năng làm phần thực hành chính xác. Mỗi ý cần ngắn gọn và súc tích, có dẫn chứng số liệu kèm theo, tốt nhất TS nên gạch đầu dòng từng ý để tránh sai sót.
Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: Anh Khoa đốt cháy sân khấu bài hát Việt với "Chờ người nơi ấy"