Cuộc sống vốn khó khăn, bà Bình lên Hà Nội nhận công việc trông trẻ với đồng lương ít ỏi. Chính như một mối lương duyên, công việc ấy giúp bà gặp được cô bé Huyền Thương. Hành trình nuôi Thương từ khi còn là đứa bé 17 tháng tuổi đến hôm nay, ước mong giản đơn là nhìn cháu lớn lên, đi làm và hạnh phúc.
Hoàng Huyền Thương, 14 tuổi, vừa chập chững bước vào cấp 3. Thương không có mẹ. 17 tháng tuổi, Thương bị bỏ rơi. Khi ấy, người phụ nữ 49 tuổi, từ người trông trẻ bất đắc dĩ trở thành mẹ em. Chỉ như một bóng hình xa lạ, bà bước vào đời Thương và cho em một cuộc đời mới.
Bà Đặng Thị Bình, 63 tuổi, là một người trông giữ trẻ. Bà Bình có một người con gái và một đứa cháu nuôi. Bà nhận nuôi Thương như bất kì đứa trẻ nào được bố mẹ chúng đưa đến. Sau một năm, người mẹ mất hút. Thương chỉ mới 17 tháng tuổi, bé nhỏ và lạc lõng. Em đến với bà Bình như một sự tình cờ và sắp đặt của ông trời.
Đứa bé đến từ thiên đường
Ngày 8/1/2004, Thương khi ấy mới 5 tháng tuổi. Đứa bé sơ sinh được mẹ đưa sang gửi bà Bình trông với số tiền 1 triệu đồng/ tháng. Cứ cách 2 đến 3 ngày, người mẹ lại ghé thăm con một lần. Cô nói với bà là bị ốm, phải đi bệnh viện, thành thử cách mấy ngày lại tới thăm Thương. Bà Bình tin vậy nên rất yên tâm. Ngày ngày bà pha sữa, nấu bột cho Thương ăn. Dần dần, bé không bú mẹ nữa.
Một khoảng thời gian sau, vào ngày 22/2/2005, người phụ nữ ấy không còn đến thăm con gái mình. Cô ấy bỏ đi, tắt liên lạc. Dãy trọ nơi cô từng sinh sống cũng không còn ai có cái tên giống như cô. Hàng xóm chỉ biết, những người sống trong căn phòng đó đã rời đi từ lâu rồi.
"Nó (mẹ ruột Thương) nói với tôi là bị ốm, phải đi bệnh viện. Tôi cũng "ừ". Lúc đấy tôi cũng không nghĩ là nó bỏ con ngay, tôi chỉ đoán già đoán non. Hay là nó đi làm, hay nó bị làm sao, nhiều cái "hay" trong đầu tôi lắm. Nhưng không bao tôi nghĩ đến, "hay là nó bỏ con"" - bà Bình nhớ lại.
Bà Bình bật khóc mỗi khi nhớ lại chuyện đời bé Thương.
Bà quan niệm, trên đời này chẳng có người mẹ nào đứt ruột bỏ đi giọt máu của mình. Bà tin thế và một lòng nuôi Thương chờ ngày mẹ em quay về. Nhưng đợi mãi chẳng thấy. Lúc đấy, bà Bình đấu tranh tư tưởng dữ dội. Hoặc cho Thương vào trại trẻ mồ côi, hoặc có ai nhận Thương làm con nuôi thì bà cho người ta. Bà nghe mọi người góp ý, nhưng quyết định chính là ở bà.
Rốt cuộc, bà Bình chọn nuôi Thương chứ bà không cho ai cả. 1 năm, 2 năm rồi 14 năm, bà Bình từ người trông trẻ bỗng trở thành người thân của Thương.
Từ lúc Thương 17 tháng tuổi, bị mẹ bỏ rơi, bà Bình quyết định xem cháu như người thân trong gia đình.
"Thời gian trôi nhanh quá, tôi không nghĩ mình có thể làm được việc này. Nếu bây giờ chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn Thương. Sư cụ gần nhà cũng căn dặn, nếu sau này gặp khó khăn không thể cố nuôi cháu, tôi có thể nhờ cậy cửa chùa. Dẫu sao đó cũng là một đứa trẻ mới được ban phát sự sống, đừng đưa nó vào trại trẻ mồ côi mà tội nghiệp".
Năm Thương lên 6, nghe lời mách bảo của nhiều người, bà Bình lấy xe đạp chở em đi tìm mẹ ruột. Nhưng chưa một lần tìm được người phụ nữ ấy. Về đến nhà, Thương kể với con gái ruột bà Bình: "Dì ơi, hôm nay bà lại trốn dì cho con đi Từ Sơn tìm mẹ đấy".
Bà Bình tức lắm, bà vừa khóc vừa quát Thương: "Không bao giờ bà đi tìm mẹ con nữa đâu".
Từ bé đến lớn, một tay bà Bình nuôi nấng Thương.
"Thôi dì ơi, từ bây giờ con không đi tìm mẹ nữa đâu. Từ tối nay, dì cho con gọi dì bằng mẹ nhớ" - Cô bé Thương, chập chững bước vào một, nói một câu ngây ngô khiến những người lớn xung quanh em phải bật khóc.
"Có lẽ con có cảm giác mẹ không bao giờ quay lại với mình nữa. Khi con cất tiếng gọi "mẹ", như con ruột của tôi thôi, tôi rất xúc động và thương con" - chị Nguyễn Thị Nhài (con gái ruột bà Bình) bồi hồi.
Chồng mất sớm, cuộc sống ở quê quá khó khăn, bà Bình quyết định lên Hà Nội kiếm sống. Dù không ít vất vả, cực nhọc, đến bữa ăn cho bản thân và con cái còn chưa xong nhưng bà vẫn một mực xem Thương là món quà mà ông trời ban tặng.
Cuộc sống khó khăn, bà Bình làm nhiều nghề để có tiền chăm cháu ruột lẫn cháu nuôi.
Để nuôi Thương khôn lớn, hàng ngày bà Bình nhận trông thêm 2-3 đứa trẻ quanh xóm. Không có tiền mua sữa bột, bà mua sữa ông Thọ pha cho cháu uống. Cuối tháng nhận được tiền trông trẻ, bà dành dụm mua cho cháu vài hộp sữa tươi để thay đổi.
"Khổ nhất là đến thời kỳ con ăn dặm, cháu thèm thịt, tôi cũng chỉ dám mua vài lạng cho con ăn, còn mình mua bì lợn về lọc lấy mỡ nấu canh".
Một lần khi mới học lớp 3, thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp Thương trốn nhà ra làm. Đến khi tay sưng rộp, rớm máu, bà Bình phát hiện được thì giận lắm, nhưng bà không dám đánh. Hai bà cháu cứ thế ôm nhau khóc.
Giờ đây, Thương đã là cô bé 14 tuổi. Em lớn lên bằng tình thương của mẹ và bà nuôi.
Ước mong của Thương: Kiếm nhiều tiền để bà đỡ khổ
Hết 3 năm mẫu giáo đến 6 tuổi đi học lớp 1, Thương không có giấy khai sinh. Thương cháu, bà Bình lên phường xin giấy nhưng chả được gì. Bà cứ khóc.
Sau này có một người trên quận về nhà hỏi thăm bà Bình và cuộc sống của cháu Thương. Người đàn ông tốt bụng hứa sẽ giúp Thương có một tờ giấy khai sinh đàng hoàng.
Hôm sau bà Bình lại lên phường, bà mừng rỡ khi cầm trên tay tờ giấy khai sinh. Trên đấy khai rõ: Hoàng Huyền Thương, sinh năm 2004. Bà mừng thực sự, mừng hơn có 1 tỷ đồng. Dù cuộc sống khó khăn, bà chỉ mong Thương chính thức trở thành một người công dân. Từ ngày đó, Thương như bao đứa trẻ khác, có thể đến trường và lớn lên bình đẳng trong xã hội.
Tờ giấy khai sinh quý giá của Thương.
Biến cố cuộc đời vô tình biến Thương thành đứa trẻ rụt rè, khó hoà đồng. Thương khóc nhiều ngày khi đủ nhận thức và thấu cảm sự thật, rằng mình chỉ là con nuôi, cháu nuôi trong gia đình. Em khép kín, trầm tính và ít nói, chưa bao giờ em hỏi về mẹ mình. Thương cháu, bà Bình đến lớp nhờ cô giáo cho Thương vào đội múa của trường. Đã có những lúc, Thương vui vẻ hoà đồng cùng đám bạn.
14 tuổi chưa hẳn là lớn, nhưng đủ suy nghĩ có phần chín chắn về tương lai. Thương biết mình mang ơn bà Bình và mẹ Nhài nhiều lắm - 2 người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời em.
"Em sẽ cố gắng học tốt. Sau này kiếm một công việc tử tế, có nhiều tiền để bà đỡ khổ" - Thương thủ thỉ.
Thương hứa cố gắng học tập để có tiền sau này đỡ đần bà.
Đến bây giờ, bà Bình không còn nghĩ đến việc tìm lại mẹ ruột cho Thương, và Thương cũng không muốn chuyện đó xảy ra. Bằng mọi giá, chừng nào còn sức khoẻ, chừng đó bà vẫn chăm chỉ làm việc. Chỉ khi nào mệt quá, bà mới chịu buông xuôi.
"Cuộc đời tôi, tôi mong khi nào hết cấp 3 con có được một cái nghề gì đấy. Con thi vào Đại học cũng được, trung cấp cũng được. Miễn khi ra trường con có nghề, đến tuổi trưởng thành lại lấy được một tấm chồng. Lúc đấy nếu nó sinh được một đứa con, con của nó tức là chắt của tôi thì tôi có chết cũng toại nguyện".
Cuộc sống vốn khó khăn, bà Bình lên Hà Nội, nhận công việc trông trẻ với đồng lương ít ỏi. Đã có lúc bà muốn từ bỏ vì vất vả. Chính như một mối lương duyên, công việc ấy giúp bà gặp được cô bé Huyền Thương. Hành trình nuôi Thương từ khi còn là đứa bé 17 tháng tuổi đến hôm nay, ước mong giản đơn là nhìn cháu lớn lên, đi làm và có một cuộc sống hạnh phúc.
Khi chỉ còn 1 đồng để tiêu, người ta khó mà nghĩ dùng 1 đồng đó lo cho người khác. Nhưng bà Bình thì khác. Chỉ là một người phụ nữ bình thường, rồi bỗng hoá phi thường bên cạnh đứa bé đáng thương năm đó.
"Giờ bà cột tóc cho Thương đi học, mai kia bà già yếu, Thương chải đầu hộ bà nhé".
Nhờ có bà, Thương mới có cuộc sống hạnh phúc như hôm nay.
Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1.
Minh Nhân