Từ 15/6, một cô gái mại dâm nếu hoàn lương, sẽ được hỗ trợ tín dụng 20 triệu để sản xuất, kinh doanh. Nhưng chính họ thờ ơ với ưu đãi.
Một tháng làm thừa 20 triệu
Mang những quy định này tới một số đối tượng làm nghề mại dâm, có nhiều ý kiến cho rằng ưu đãi này không ai muốn nhận.
Một cô gái bán dâm tên L.A (SN 1991, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, đang hoạt động tại khu vực Trần Duy Hưng – Cầu Giấy) có quan điểm: Đối với những cô gái còn trẻ đẹp, chưa “hết date” thì một tháng hoàn toàn có thể làm thừa 20 triệu đồng.
“Em ví dụ nhé, một lần đi khách như em được 500 nghìn, phải chia khoản tiền này cho chủ, cho “xe ôm” dắt mối, cứ cho em cầm về trong tay 250 nghìn. Mỗi một lần đi khách của em chỉ khoảng 1 tiếng, một ngày em làm 4 ca như thế đã có 1 triệu đồng rồi, và một tháng em có 30 triệu.” – L.A lý giải.
“Nếu một tháng em có thu nhập vào dạng “khủng” theo kiểu báo chí các anh hay nói, thì chẳng việc gì em phải bỏ nghề cả. Nếu làm công nhân viên chức thì liệu một tháng em có thể kiếm được bằng một tuần em làm việc hay không? Và trong thời điểm này, nếu vay được 20 triệu, em có thể bắt đầu với công việc gì trong khi em mới chỉ học hết cấp ba và không có nghề nghiệp” – L.A đưa ra những thắc mắc rất thật của mình.
Gái mại dâm đứng chờ khách trên phố |
L.A cho biết thêm: “Còn một điều nữa em thấy không ổn, ở quê, bà con làng xóm chỉ nghĩ em đi làm công ty liên doanh nước ngoài, nào có ai biết em đi bán dâm. Bây giờ bảo về xã để xác nhận mình không bán dâm nữa, em chả dại vạch áo cho người xem lưng. Rồi em chứng minh em đã từng làm gái kiểu gì? Ai đi xác minh cho em?”.
“Mọi người cứ nghĩ là gái mại dâm là tệ nạn xã hội, như tội phạm rồi dùng những từ như hoàn lương, nhưng theo em đây cũng là một cái nghề thôi. Em lao động bằng chính thân thể của em, nếu xã hội này không có những người như em, có khi còn loạn hơn.” – L.A nhận định.
Đồng quan điểm với L.A, một cô “gái gọi” hoạt động tại khu vực Đại Cồ Việt (Hà Nội), Nguyễn Thúy H. (SN 1994, Hậu Giang) chia sẻ: “Em từ trong miền Tây ra Hà Nội làm việc, mức sống ngoài này tuy có cao, nhưng nhu cầu của khách về gái miền Tây, gái trong nam như bọn em cũng cao lắm, bọn em dễ sống hơn, mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, em vẫn gửi được về cho gia đình khoảng 7 – 10 triệu. Nói thật, bây giờ mà có “hoàn lương” thì em chả biết làm gì.”
Phóng viên thắc mắc với những cô gái này, nếu như quá tuổi trẻ đẹp, nhan sắc phai tàn, không kiếm được thu nhập cao như bây giờ, những cô gái này sẽ phải làm gì?
“Đứa nào khôn thì bớt ăn chơi, gom được ít vốn gửi về quê rồi sau này mở cửa hàng cửa hiệu gì đó, hoặc về lấy tấm chồng. Mà chính ra vay tiền ấy để đi vá trinh rồi lừa được cậu ấm nào ở quê ở huyện thì cũng hay.” L.A dí dỏm.
Hoan nghênh vay 20 triệu
Trong khi những cô gái hạng sang, có giá cho mỗi lần đi khách từ 500 – 1 triệu đều tỏ ra không quan tâm đến khoản vay ưu đãi này, thì những cô gái thuộc hàng “quá lứa lỡ thì”, phải đứng gốc cây, cột điện vẫy khách, một lần đi khách già từ 50 – 100 nghìn đồng lại tỏ ra rất hoan nghênh.
Một người phụ nữ tên Trần Thị M., tuổi khoảng 35, thường xuyên đứng vẫy khách ở khu vực đường Trần Quang Khải (Hà Nội) cho biết: “Nếu có chuyện được vay tiền như thế thật, chắc chị về bố trí vay một cục. Nhưng có điều là chả biết làm nghề gì với số tiền ấy thôi. Giá mà cho vay nhiều hơn một chút thì dễ làm ăn hơn. 20 triệu mở một quán trà đá may ra thì đủ.”
Cách đó không xa, Nguyễn Kim T. (1974, Nam Định) chia sẻ: “Vay được tiền như thế cũng tốt, chị em làm cái nghề này ở cái tuổi như bọn tôi, tháng được vài triệu, sống lay lắt không bõ. Mà cũng trơ mặt ra rồi, về địa phương xin xác nhận cũng chẳng ngại.”
Khi đưa ra quan điểm của những cô gái trẻ về việc chê gói tiền 20 triệu này, những đàn chị đều bĩu môi, Kim T. cho biết: “Các em ơi, các em còn trẻ nên chưa biết thế nào là đời đâu, khi nào đi nhặt từng đồng ở gốc cây đi rồi mới mạnh mồm được”.
Quả thực, “đường về” với những cô gái từ trẻ trung như L.A, Thúy H., hay gái già như Thị M., Kim T. còn rất chông gai. Những cô gái trẻ đã quen với cái cách kiếm tiền dễ dàng, thu nhập cao sẽ khó có thể từ bỏ trong một sớm một chiều. Còn đến khi nhận ra sự phũ phàng của cuộc đời, họ lại vướng vào những nợ nần, nghiện ngập, thậm chí là HIV/AIDS và không có nghề nghiệp trong tay.
Dù có được hỗ trợ vay vốn, nhưng để có một giải pháp triệt để, có lẽ còn là bài toán mà không thể trả lời trong tương lai gần.
Theo Báo Đất Việt