Sau gần một năm cổ phần hoá, nhiều nghệ sĩ bức xúc cho rằng, tổng công ty vận tải thủy (VIVASO) đang “đem con bỏ chợ” khi không quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân viên của hãng Phim truyện Việt Nam...
Hãng phim tan hoang, xuống cấp nghiêm trọng
Để tìm hiểu về tình hình hoạt động của hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) sau một năm cổ phần hoá, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã tìm đến số 4 Thuỵ Khuê (Hà Nội) – Trụ sở của hãng Phim truyện Việt Nam để “mục sở thị” việc hoạt động của đơn vị này.
Phòng Nghệ thuật của Hãng phim ít khi hoạt động.
Một số phòng khoá cửa đã rỉ sét.
Tuy nhiên, trái với hình dung của chúng tôi, nơi đây rất đìu hiu và vắng vẻ, nhiều phòng làm việc khoá cửa không làm việc, cơ sở vật chất của nhiều khu vực ngày càng xuống cấp. Nhóm PV phải khó khăn lắm mới tránh được các vật dụng, vôi vữa ở những mảng tường cũ rơi vào người. Cơ sở vật chất của nơi này khá tan hoang. Một số phòng đóng kín mạng nhện giăng đầy, có một số phòng mở cửa thì ẩm thấp mặc cho chuột, gián và côn trùng làm tổ.
Các phòng như: Nghệ thuật, Đạo diễn… đều “cửa khoá then cài”, thậm chí có những phòng khoá cửa đã rỉ sét, chứng tỏ đã lâu lắm rồi nơi này không còn hoạt động. Thi thoảng, có bóng dáng của một người bảo vệ, nhưng theo quan sát của nhóm PV, họ cũng chỉ ngồi “ngáp ruồi” vì không có việc để làm.
Vào ngày 9/10/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định chính thức thanh tra quá trình cổ phần hóa của hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó, Chính phủ đã yêu cầu đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả trước ngày 1/12/2017. Nhưng cho đến nay, đã hơn 6 tháng vẫn chưa công bố kết quả thanh tra.
Theo phản ánh của nhiều nghệ sĩ làm việc tại đây, hiện tại hãng phim hầu như không hoạt động, “ông chủ mới” của đơn vị nghệ thuật này cũng không quan tâm đến đời sống của những người còn làm việc tại đây và đưa ra những quy định mới hết sức vô lý. Theo các nghệ sĩ, một tháng, “ông chủ mới” đến hãng phim vài lần cho có, rồi lại lên ô tô đi mất hút.
Thông báo của hãng Phim khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc.
Nghệ sĩ hoang mang vì không được làm nghề…
Mới đây nhất, nhiều nghệ sĩ của hãng Phim truyện Việt Nam rất bức xúc trước Thông báo số 88/TB – HĐQT ngày 11/5/2018 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Danh Thắng ký. Theo đó, các nghệ sĩ đã gửi đơn kiến nghị đến Hội Điện ảnh Việt Nam phản ánh tình hình đời sống của cán bộ, công nhân viên của hãng phim, đồng thời đưa ra cảnh báo việc chậm trễ công bố kết luận thanh tra sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Lá đơn nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng về mặt lý thuyết, những người lãnh đạo hiện tại của VFS có quyền đòi hỏi người lao động trong hãng phim phải đi làm đủ thời gian quy ước. Tuy nhiên chính những người lãnh đạo đã không làm tròn nhiệm vụ của mình là “đem lại công ăn việc làm cho người lao động” như đã cam kết trong Đại hội Cổ đông ngày 6/5/2017. Vì vậy việc đòi hỏi nghệ sĩ nói riêng và người lao động nói chung trong VFS phải đến hãng phim hàng ngày và đúng giờ như thể hãng phim đang đầy ắp công ăn việc làm là hoàn toàn không hợp lý, hợp tình”.
Thêm nữa, các nghệ sĩ phản ánh, ban lãnh đạo mới của hãng phim đã ra những quyết định gây ảnh hưởng đến lợi ích của cán bộ, công nhân viên của hãng phim khi quy định người lao động phải chấm vân tay đủ 14 ngày/tháng mới được đóng tiền các loại bảo hiểm, quy định này tiếp tục bị nghệ sĩ phản ứng quyết liệt.
Đơn kiến nghị của các nghệ sĩ vì những quy định bất cập của lãnh đạo mới.
Chia sẻ với PV, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Chúng tôi hoang mang vì không được làm nghề. Khi nhân viên đưa lên dự án để yêu cầu được làm việc thì phía lãnh đạo công ty trù trừ không quyết để đưa dự án vào hoạt động.
Ngoài việc không tạo điều kiện cho nhân viên làm việc, họ lại không hề có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất phim khiến công việc của nghệ sĩ, nhân viên trong hãng phim bị ỳ trệ. Ban lãnh đạo công ty không tạo ra được công ăn việc làm cho nghệ sĩ ở hãng phim thì không có lý do gì mà phía công ty đòi áp dụng quy định về ngày lương hoặc đòi hỏi nhân viên phải chấm vân tay hàng ngày đối với một đơn vị nghề nghiệp đặc thù như hãng phim.
Quyết định này ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp tới những người đang lao động tại hãng phim còn gây nên những hệ lụy phức tạp, gây thiệt hại về kinh tế cũng như thu nhập của người lao động sau khi về hưu”.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lên tiếng vì quy định mới của Hãng phim.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho hay: “Vào tháng 9/2017, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo VIVASO và cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ của hãng phim, ông Nguyễn Thủy Nguyên (Chủ tịch HĐQT VIVASO) đã đưa ra hàng loạt giải pháp để “cứu” hãng phim như trưng biển quảng cáo thật bắt mắt để mời chào mọi người đến thuê làm phim, thậm chí nhận làm phim cho xã, huyện; rồi mời đạo diễn, diễn viên nước ngoài, Hollywood về giao lưu, làm phim…
Nhưng đến nay tất cả hứa hẹn đến giờ chỉ là… lời nói. Họ không hoặc chưa triển khai bất cứ cái gì, ngoài việc đưa ra quyết định về lương, hay cắt bảo hiểm. Việc tính công được thực hiện qua máy chấm vân tay chứ không phải bằng công việc ở trong một hãng phim là điều bất bình thường và cho thấy người lãnh đạo không hiểu biết gì về đặc thù công việc của nhà làm phim”.
“Vì biên kịch họ có thể viết thông đêm, đạo diễn, quay phim, họa sĩ thì làm việc ngoài hiện trường bất kể ngày đêm. Bản chất của vấn đề là ban lãnh đạo mới của hãng phim không tạo được công ăn việc làm gì cho người lao động. Do đó bắt đạo diễn, quay phim, biên kịch đến hãng chỉ để uống nước chè, chấm vân tay là quá vô lý. Kể từ khi phía VIVASO cổ phần hóa vào đây chưa có một bộ phim truyền hình, phim điện ảnh nào được sản xuất.
Nhóm làm phim YouTube do họ lập ra đến giờ đã có ai được nhận tiền đâu nhưng bị yêu cầu làm demo, dự toán các kiểu. Tất cả đều chỉ trên giấy hết… Là một nghệ sĩ, một người làm nghệ thuật tôi đau xót lắm” – Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân bức xúc lên tiếng.
Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành.
Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cũng không khỏi bức xúc trước nghịch lý: Nghệ sĩ muốn làm việc nhưng không có việc để làm.
“Hiện tại, nhiều các bộ, nghệ sĩ của hãng phim muốn có thu nhập để nuôi sống gia đình chỉ có cách ra ngoài làm thêm, nhận các dự án bên ngoài chứ phía lãnh đạo mới không giao việc, không tương tác với chúng tôi.
Thậm chí, cuối năm 2017, tôi đã gửi 3 kịch bản tới lãnh đạo hãng phim mới nhưng không được hồi âm, khi tôi hỏi lại, ông Thuỷ Nguyên nói lúc đó đang đi nước ngoài và không nghe máy vì "cước phí lên đến 6.000 đồng một phút", nhưng sau đó về Việt Nam, ông ấy cũng không “đả động” gì đến các kịch bản của tôi.
Thêm nữa, tôi cũng đã mang về công ty một dự án làm phim của một địa phương, nhưng bị gạt đi vì lãnh đạo cho rằng “không khả thi”… Vậy thử hỏi, sau gần một năm cổ phần hoá, họ đã làm gì cho cán bộ, nghệ sĩ nơi đây? Dường như, hãng phim đang chênh vênh, tuột dốc...” – Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Cơ sở vật chất của Hãng phim hiện nay.
Nhiều phòng ấm thấp, tối tăm.
Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành tâm sự: “Dường như ở Hãng phim hiện nay, nếu ai làm việc theo kiểu “mũ ni che tai” thì yên ổn, đó là một số nhân viên làm hành chính, cuối tháng được nhận một mức lương tối thiểu, còn những nghệ sĩ “phá cách” như tôi, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Đức Việt, Vũ Quốc Tuấn, Trần Chí Thành… thì không được nhận lương với lý do là: Chống đối lãnh đạo hãng phim. Hiện tại, có khoảng 20 người thường xuyên ở hãng phim đó là nhân sự thuộc các phòng như: Hành chính, Bảo vệ, Tài vụ…
Những nhân sự này cũng là do chúng tôi đấu tranh mới giữ lại được, nếu không họ giải tán lâu rồi. Còn anh em nghệ sĩ có đến cũng không có việc gì để làm, nên chúng tôi cứ phải “ngắc ngoải” chờ đợi, hoặc đi tìm các dự án riêng để làm, kiếm tiền nuôi gia đình”.
Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT của Hãng phim truyện VN.
Mới đây, có thông tin cho rằng, phía VIVASO đang muốn rút lui vì không thể “chịu nổi nhiệt” ở hãng Phim truyện Việt Nam. Khi hỏi về điều này, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT của Hãng phim cho hay: “Công ty vẫn hoạt động bình thường và không thể dừng lại. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo của các cơ quan nhà nước”.
Nói về việc quy định người lao động phải chấm vân tay đủ 14 ngày/tháng mới được đóng tiền các loại bảo hiểm, ông Thắng khẳng định quyết định cắt bảo hiểm liên quan đến lương là “hoàn toàn theo đúng Luật Bảo hiểm xã hội”.
“Mặc dù người ta không làm việc, chúng tôi vẫn trả lương bình thường. Các hoạt động của công ty vẫn bình thường. Hiện nay, hãng phim đang triển khai 2 dự án Người yêu ơi và dự án phim ngắn, chứ không phải công ty không làm việc. Tuy nhiên, lực lượng lao động công ty rất đông, nên không thể bố trí việc hết cho mọi người được” – ông Nguyễn Danh Thắng cho hay.
Lạc Thành