Chỉ trong thời gian hơn một năm (từ tháng 11/2011 đến đầu năm 2012), thôn Yên Lập Đông, phường Minh Thành (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) có trên 20 người chết trẻ.
Có người đang nằm với vợ thì giữa đêm co giật, chết “bất đắc kỳ tử”; người đúng ngày mùng Hai Tết đang vui vẻ chúc tụng thì uống thuốc diệt cỏ tự vẫn; liên tiếp những thanh niên trai trẻ ra đường bị ô tô cán chết tức tưởi.
Ngôi làng trước đây vốn bình yên, bỗng chốc tai ương ập xuống khiến người dân hoảng hốt, sợ hãi, lập đàn cầu cúng, giải hạn tốn cả đống tiền bạc nhưng “thần chết” vẫn từng ngày cướp đi mạng sống những người dân lương thiện nơi đây.
Ngôi đình ở thôn Yên Lập |
Những cái chết “bất đắc kỳ tử”
Thôn Yên Lập Đông cách xa trung tâm thị xã Quảng Yên khoảng 20km, người dân chủ yếu sống nghề nông nghiệp, kinh tế nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống thanh bình, yên ả. Từ cuối năm 2012, biến cố lớn bắt đầu xảy ra khi liên tiếp xảy ra các vụ chết chóc khó hiểu, đa số chết trẻ khiến dân tình lo âu.
Bà Đào Thị Luyện (SN 1963, thôn Yên Lập Đông) là một người chịu đau thương khi trong thời gian ngắn mà mất nhiều người thân. Bà cho biết, bản thân là phụ nữ nhưng không lập gia đình, ở vậy làm nghề thợ may sống qua ngày. Tình yêu thương của bà dành cho con cháu trong họ và những người thân thích trong làng. Ngày 16 tháng Giêng Âm lịch 2012, người cháu thân thích bà là Đào Văn Bân (SN 1971) bỗng dưng qua đời. “Tôi không có con cái, đứa cháu này với tôi như mẹ con trong nhà. Vậy mà nó đột ngột ra đi, đến nay chả hiểu được tại sao lại thế”, bà Luyện nói. Bà nhớ lại, Bân là người khỏe mạnh, không bệnh tận, làm nghề trồng dứa, đã lập gia đình và sinh con. Tối hôm đó, sau khi cơm nước cùng vợ con, Bân giúp vợ giặt đống quần áo.
Xong xuôi, anh cùng vợ mở vô tuyến xem phim rồi đi ngủ. “Xem phim xong là khoảng 22h, vợ chồng nó dặn nhau đi ngủ sớm để sáng mai còn đi chặt dứa”, vẫn lời bà Luyện. Đến khoảng 2h sáng, nhà Bân phát lên những tiếng kêu cứu thất thanh của người vợ. Người làng chạy đến thấy Bân đang liên tục co giật trên giường, môi miệng cứng lại, sùi bọt mép, ú ớ không nói lên lời. Lập tức nạn nhân được đưa đi cấp cứu ở cơ sở y tế; những người ở lại liền mời thầy cúng đến làm lễ giải hạn ngay trong đêm. Tuy vậy, nạn nhân đã tắt thở không lâu sau đó. “Vợ con, người nhà ai cũng khóc lóc, hàng xóm thương tình đến thăm hỏi nhưng chả ai biết được nguyên nhân cháu tôi chết vì đâu. Đến giờ nhắc lại, tôi vẫn không hiểu tại sao cháu tôi khỏe mạnh mà tự dưng “lăn” ra chết”, bà Luyện trầm ngâm cho biết.
Trước đó bốn ngày, ngay sát vách nhà bà Luyện có bà Vũ Thị Chung (hơn 40 tuổi) cũng qua đời. Bà Luyện kể, giữa bà và nạn nhân có quan hệ họ hàng thân thích, thường ngày chị em rất hay tâm sự với nhau. Đang trong lúc khỏe mạnh thì nạn nhân thấy trong người bất thường, liền đi bệnh viện khám thì phát hiện u não. Người này lo lắng nhưng không mổ ngay mà chờ ăn Tết xong sẽ đi khám tổng thể và tiến hành mổ khối u. “Cô ấy còn tâm sự với tôi là trong người vẫn thấy khỏe mạnh, nói rằng nhờ ăn ở phúc đức nên được tổ tiên phù hộ, chắc sau mổ sẽ không có chuyện gì xảy ra. Vậy mà chưa kịp đi mổ, đúng ngày 11 tháng Giêng Âm lịch thì qua đời”, bà Luyện nhớ lại.
Cũng Tết năm 2012, thôn Yên Lập Đông còn chứng kiến cái chết bất thường khác của một nam thanh niên, 25 tuổi. Anh này làm nghề thuê hút cát ở sông, tính tình hiền lành; không tham gia cờ bạc, rượu chè. Vậy nhưng đúng ngày mùng Hai tết, khi cả nhà đang tiếp khách đến nhà chúc mừng năm mới, thì anh lẻn vào nhà bếp, uống thuốc diệt cỏ. Khi phát hiện ra, mọi người hốt hoảng đưa đi bệnh viện, nhưng liều lượng chất độc nhiều, nạn nhân không qua khỏi. “Không ai hiểu nguyên nhân tại sao nó lại uống thuốc độc tự vẫn, đến nay đây vẫn là cái chết bí ẩn, gia đình, hàng xóm không thể giải thích”, một nhân chứng cho biết.
Chỉ trong mấy ngày đầu năm Âm lịch 2012, thôn Yên Lập Đông liên tiếp tổ chức ba đám ma cho người xấu số, đám này nối tiếp đám kia khiến không khí tang thương phủ khắp làng. “Chẳng còn không khí Tết nữa, hàng xóm gặp nhau ai cũng nét mặt tang thương, lo lắng”, một người dân nhớ lại. “Nửa năm sau, bà cụ thân sinh ra tôi qua đời”, bà Luyện cho biết.
Không lâu sau, một phụ nữ trong làng tên Vũ Thị Bé (32 tuổi) bị viêm miệng, mãi không khỏi. Kiểm tra kỹ thì thấy nổi lên một nốt nhỏ màu đỏ ở lưỡi. Khi đi bệnh viện khám thì phát hiện bệnh ung thư vòm họng, không lâu sau thì qua đời.
Bà Luyện kể lại câu chuyện |
Ám ảnh những vụ tai nạn giao thông
Ngoài chết không rõ nguyên nhân, chết do phát hiện bệnh hiểm nghèo, người dân nơi đây còn kinh hãi bởi nhiều vụ Tai nạn giao thông thương tâm gây chết chóc.
Khởi đầu vào khoảng tháng 10/2012, một nam thanh niên trong làng (SN 1985) đi xe máy đến khu vực Nam Khê, Uông Bí thì gặp tai nạn, chết ven đường. Người thân đến nhận xác, nếu không xem giấy tờ tùy thân, biển số xe máy thì khó phát hiện ra người thân vì mặt mũi biến dạng sau vụ tai nạn. Khoảng 10 ngày sau, một thanh niên khác trong thôn, nhà gần Quốc lộ 18, khi ăn cơm trưa xong, bước ngang qua đường thì bị ô tô cán chết. Điều đáng nói là chiếc ô tô trước khi gây tai nạn vừa bị nổ lốp. Tốn nhiều thời gian mới thay lại xong, đi được một đoạn ngắn thì gây tai nạn chết người. Cũng trong tuần đó, một nam thanh niên khác trong làng đi sinh nhật bạn thì tông vào gốc cây ven đường, tử vong.
Nạn nhân là con trai trong gia đình đông anh em. “Thằng bị tai nạn là người hiền lành, chăm chỉ nhất nhà. Những đứa khác quậy phá, nghiện ngập thì không bị gì, chết đúng người tử tế nhất, khiến ai cũng thương cảm”, một hàng xóm cho biết. Cùng thời gian trên, hai nam thanh niên khác trong làng rủ nhau ra TP.Hạ Long chơi, đến đoạn đường thuộc phường Đại Yên thì bị ô tô tải đâm giữa người, chết tức khắc. “Không hiểu sao khi xảy ra tai nạn thì liên tục nối đuôi nhau. Ngoài những trường hợp đã kể trên, còn vô số các vụ tai nạn xây xước nhẹ khác. Điều đặc biệt là nạn nhân chết chỉ nhằm vào nam thanh niên tuổi đời còn rất trẻ”, một người dân nói.
Ông Nguyễn Trung Úy (SN 1950, thôn Yên Lập Đông) cho biết, bản thân ông là cựu chiến binh, trước đây chinh chiến đánh Mỹ, giáp mặt với kẻ thù không hề biết sợ, vậy mà khi cả làng liên tiếp gặp tai họa, bản thân ông thấy hoang mang, khó lí giải. Những người mê tín thi nhau đi cầu cúng, giải hạn; bản thân ông Úy tự nhận mình không mê tín, nhưng trước đại họa của làng, ông cũng theo mọi người làm “lễ giải hạn”. Đó là khoảng giữa năm 2012, người làng đi xem bói thì “thầy” phán long mạch làng bị đứt, cần phải hàn lại, nếu không tai họa sẽ tiếp tục giáng xuống, trừng trị dân làng. Nghe vậy, cả làng đóp góp công đức, người ít thì 10 nghìn, 20 nghìn, người nhiều thì 100 nghìn hoặc hơn thế để tiến hành lễ hàn long mạch của làng.
Hao công tốn của giải hạn vẫn chết chóc
Sau khi quyên góp được khoảng 20 triệu, dân làng mời thầy cúng, sắm sửa đồ lễ, tổ chức giải hạn ở gần một con đập ngăn nước, dưới gốc một cây đa cổ thụ. “Mọi người quan niệm, thời gian đó làm nhiều công trình thủy lợi, giao thông nên long mạch làng bị động, bị đứt, nên lễ tổ chức hàn lại long mạch được tổ chức ở gần đê gần đập nước mới thiêng”, ông Úy nhớ lại. Theo trí nhớ của người dân, buổi giải hạn diễn ra trong không khí trang trọng, rất đông dân làng bỏ công việc đồng áng để tham gia buổi lễ.
Tuy nhiên, sau buổi lễ “hàn long mạch” hao công tốn của, tai ương trong làng vẫn tiếp tục diễn ra, chết chóc vẫn chưa chấm dứt. Một nhóm người dân tiếp tục đi xem bói. Lần này, “thầy” phán rằng cả làng đang bị bóng một con quái vật khổng lồ che phủ, phải đi đến chùa Đồng, nơi chùa cao nhất ở Yên Tử (Quảng Ninh) cầu cúng, lễ bái thì dân làng mới thoát kiếp nạn. Những người đi xem bói sau khi về làng thì kể lại câu chuyện này, ai cũng biết, bàn tán xôn xao. Đang trong lúc không thể giải thích tại sao cả làng liên tiếp gặp tai họa thì lời của “thầy” bói như một niềm tin cứu cánh. Vậy là cả dân làng lại quyên góp tiền bạc, tổ chức đi lễ ở chùa Đồng. Tổng cộng có 60 người cùng đi, thuê hai xe ô tô chật kín người. Những ai không đi được thì gửi vài chục nghìn tiền lẻ, nhờ đoàn đi hộ thắp hương, cúng bái. “Vợ tôi không đi ô tô được vì bị say xe, tôi phải chở bà đi bằng xe máy, theo sau hai chiếc ô tô”, ông Úy nhớ lại.
Sau những cố gắng của dân làng để hóa giải “thảm họa chết chóc”, tình hình vẫn chưa yên ổn trở lại, những cái chết vẫn tiếp tục diễn ra, nghĩa trang liên tục khoác những vòng hoa mới. Đúng lúc ấy, dân làng phát hiện ra một số sắc phong của đình thành hoàng làng trước đây được đem thờ tự ở gần ngôi miếu Cây Cộng. Miếu này đặt ở núi Trán Hổ, nơi người dân cho rằng là mảnh đất “dữ”. Lập tức, người dân lập ban thờ mới ở đình làng cũ, làm lễ dâng hương, khấn vái, tạ lỗi các vị thành hoàng làng, cầu mong được Bình An, che chở. Theo người dân, từ khi lập bát hương thờ thành hoàng làng, tai họa bỗng dưng mất đi. “Từ đó đến giờ là hơn một năm, nhưng làng chỉ có 6 người qua đời, toàn là các cụ già đã bệnh tật lâu năm”, ông Úy cho biết.
Trước đây thôn Yên Lập có một ngôi đình, thờ tự ba vị thành hoàng linh thiêng, che chở cho dân làng. Thời chống Mỹ, bom đạn như mưa, không nhà cửa nào bị hư hỏng; người không ai chết, chỉ một con trâu bị què chân. Con cháu trong làng đi bộ đội không ai hy sinh, hiện làng chỉ có một thương binh. Sau đó đình làng bị phá, nay làm trường học, trừ lại một diện tích, ngoài khuôn viên trường, là nền cửa chính của đình trước đây, không ai dám xâm phạm. Mới đây, một người đàn ông tự xưng là “thầy cúng” ở địa phương khác đến trông coi ngôi miếu ở núi Trán Hổ. Người này đem mấy sắc phong của đình lên miếu thờ, lại xin được đất ở gần miếu để xây lại đình làng nhưng người dân không đồng ý; bởi cho rằng vị trí núi Trán Hổ thế đất “dữ”, đình làng ở đó sẽ làm con cháu trong làng hư hỏng, trai thì trộm cướp, gái thì hư hỏng. Nay họ có ý định xây lại đình ở vị trí cũ để ổn định tình hình. Từ đây mới nảy sinh ra bao nhiêu chuyện phức tạp, khiếu kiện, khiến những ngày đầu tháng 3/2014 làng không khi nào bình yên.