Theo tin tức từ Lao Động, Tuổi Trẻ mới đây, kết quả điều tra vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La vừa được công bố gây xôn xao dư luận. Theo đó, 8 bị can đã khai nhận hành vi sửa điểm bài thi trắc nghiệm cho 44 thí sinh và sửa điểm bài thi tự luận (môn ngữ văn) cho một số thí sinh khác.
Kết quả điều tra cho thấy vị phó giám đốc sở này đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp do chính giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La "gửi gắm".
Cụ thể, theo lời khai của bị can Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, ngày 28/6, iám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức đã gọi ông Yến đến phòng làm việc đưa cho hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo "đặt hàng".
Cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Hà, trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, cũng đến gặp ông Yến tại phòng làm việc và đưa thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm. Trong số này có 2 trường hợp trùng với danh sách giám đốc sở đã nhờ trước đó.
Sau khi có thông tin của 13 thí sinh, ông Yến đã tổng hợp thành một danh sách, trong đó ghi rõ họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, các môn thi cần nâng điểm, các mã đề, tổng số điểm cần phải đạt được của từng thí sinh.
Điều đáng nói là "chi phí" để giúp rút bài sửa nâng điểm, có bị can khai để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng. Trong quá trình điều tra,một số bị can đã tự nguyện “khắc phục hậu quả” bằng cách nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Trả lời Người Đưa Tin sáng 25/4 về thông tin Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức chỉ đạo Phó giám đốc sở này là Trần Xuân Yến nâng điểm cho 8 thí sinh, ông Đức khá bất ngờ và bức xúc nói: “Bố láo bố lếu, làm gì có chuyện đấy”.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Tức là thông tin ông Yến khai là không đúng?”. Ông Hoàng Tiến Đức đáp: “Ừ”. Ngay sau đó, vị giám đốc sở này liền cúp máy.