(Tinmoi.vn) Về số lần lấy phiếu, đa số đại biểu đề nghị hai lần mỗi nhiệm kỳ thay vì chỉ một lần như dự thảo. Về việc thiết kế phiếu, nhiều đại biểu cho rằng chỉ nên giữ hai mức tín nhiệm là có hoặc không thay vì hình thức tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp.
Chiều 13/6, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng làm vừa qua “chưa ổn”. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng chỉ nên có 2 mức phiếu và lấy phiếu 2 lần/ nhiệm kỳ.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng việc những điều được dư luận xã hội khen thì Quốc hội sửa, điều dư luận xã hội chê thì để lại là mất cơ hội của những người được tín nhiệm |
“500 đại biểu đã biểu quyết thì Nghị quyết 35 đương nhiên có giá trị thi hành. Nhưng tự nhiên chúng ta lại dừng. Tất nhiên tôi đã đọc thư của Chủ tịch Quốc hội gửi tất cả các đại biểu nhưng lá thư không nói rõ ràng là các đại biểu có đồng ý hay không.
Chúng tôi chưa thể hiện ý kiến mà đã sửa. Tôi cho rằng cách làm như vậy là không đúng”, ông Thuyền góp ý cách làm của Quốc hội.
Lý giải về những bức xúc của mình, ông Thuyền cho rằng vì có nhiều đồng chí có cơ hội rất tốt thông qua việc lấy phiếu tín nhiêm. “Tôi nói ví dụ như Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng GTVT, Thống đốc Ngân hàng nhà nước và một số bộ trưởng khác, họ rất tích cực. Nếu lần này bỏ phiếu thì tôi chắc phiếu của họ rất cao. Làm như vậy là cơ hội của họ mất”.
Đặc biệt, vị đại biểu này cho rằng những điều được dư luận xã hội khen thì Quốc hội sửa. Điều dư luận xã hội chê thì để lại.
“Người ta rất khen khi mình lấy phiếu tín nhiệm. Nhân dân rất ca ngợi. Đây là một bước tiến mới của Quốc hội. Điều đó thể hiện quan điểm của QUốc hội đánh giá, nhận xét những người mình quản lý cán bộ. Còn 3 mức người ta rất chê, sao lại có 3 mức”, ông Thuyền nói.
Cũng theo đại biểu này, cử tri cho rằng đương nhiên phiếu nhiều là tín nhiệm cao, phiếu ít là tín nhiệm thấp.
“Tại sao lại phải ghi tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp vào đây?”, ông Thuyền nêu ý kiến và đề nghị Quốc hội cần phải rút kinh nghiệm trong khi sửa Nghị quyết 35.
Vị đại biểu này cũng không đồng tình với việc đề ra mức độ 3 mức “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp”.
“Mình chỉ nên có hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm thôi. Anh nào nhiều phiếu tín nhiệm cao, ít phiếu là tín nhiệm thấp. Còn anh nào có số phiếu trung bình thì là tín nhiệm trung bình. Đừng làm phức tạp ra, dân người ta không đồng tình”, ông Thuyền đề xuất.
Lý giải về ý kiến của mình, đại biểu Thuyền cho rằng việc lấy phiếu chỉ là thăm dò để góp ý, xây dựng đối với cán bộ. Bên cạnh đó, trình độ đại biểu Quốc hội không thấp và họ có thể đánh giá một cách công tâm.
Vị đại biểu này cũng cho rằng nếu chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/1nhiệm kỳ là ít.
"Tôi cho rằng phải lấy 2 lần, cuối năm thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm. Cuối năm thứ 4 tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm để xem người ta có sửa hay không. Như vậy có cơ sở để có tiếp tục tín nhiệm trong nhiệm kỳ tới hay không? Nếu chỉ lấy phiếu 1 lần không có ý nghĩa gì cả”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề xuất.
Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) – Phó Chánh án TAND tối cao cảnh báo: “Để 3 mức tín nhiệm là hình thức chứ không phải là thận trọng, người dân rất bức xúc”.
Trái với ý kiến của phần lớn các ý kiến phát biểu, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lại tán thành hướng thiết kế 3 mức tín nhiệm để cán bộ tự đánh giá, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, cũng là để người bỏ phiếu có nhiều lựa chọn hơn. Theo ông Danh Út, thực tế, dù phiếu có để 3 mức nhưng nhiều cán bộ đã rất ý thức trong quá trình phấn đấu, hoàn thiện mình.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng để 3 mức đánh giá là phù hợp, vì lấy phiếu tín nhiệm khác với bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng phải sửa lại tên gọi của 3 mức tín nhiệm này.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần, nhiều đại biểu cho rằng như thế là quá ít. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng cho rằng, việc lấy phiếu nhằm mục đích nâng cao hiệu lực giám sát của đại biểu Quốc hội nên cần để đại biểu thể hiện chính kiến với người mình đã bầu ra ít nhất 2 lần/nhiệm kỳ. Việc đó giúp người lấy phiếu thấy rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình để phấn đấu thêm.
Nếu chỉ lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ, ông Hoàng băn khoăn, tần suất đó mới chỉ giúp cán bộ thấy là bản thân còn thiếu sót nhưng cũng không ảnh hưởng gì, đằng nào cũng hết nhiệm kỳ rồi.
Kiến nghị tăng tần suất lấy phiếu, ông Hoàng trấn an, đại biểu và người dân chắc chắn sẽ đánh giá công bằng cho những người biết phấn đấu thôi, không lo có gì thua thiệt. Theo đại biểu, nên thiết kế một lần lấy phiếu nữa vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Kết quả lấy phiếu lần này là để xác định bản lĩnh của người ở vị trí đứng đầu, làm cơ sở cho TƯ chuẩn bị cho công tác nhân sự của nhiệm kỳ tiếp theo.
Dã Quỳ