Liên quan đến sự cố cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngày 8/9, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã công bố kết quả quan trắc mới nhất sau vụ cháy. Qua kiểm tra thực tế ngày 31/8 và quá trình đấu tranh với doanh nghiệp, lãnh đạo công ty Rạng Đông đã thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng.
Trước đó, công ty này báo cáo rằng đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Gần 10 ngày sau sự cố khiến lượng thuỷ ngân phát tán ra ngoài môi trường đến 27,2kg, lãnh đạo công ty này mới gửi thư xin lỗi tới chính quyền và người dân thủ đô.
Trong thư xin lỗi, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, cho biết sau khi khống chế được ngọn lửa, công ty đã khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm cách ly khu vực cháy, hạn chế hậu quả lây lan về môi trường theo chỉ đạo của cơ quan PCCC và môi trường các cấp. Tuy nhiên, trong lúc khắc phục hậu quả, rất nhiều việc công ty không thể chu đáo, thậm chí còn nhiều thiếu sót.
Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty Rạng Đông gửi lời xin lỗi tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội; Đảng ủy, UBND quận Thanh Xuân; UBND phường Thanh Xuân Trung, phường Hạ Đình và dân cư khu vực xung quanh. Qua đó, công ty cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý những vấn đề liên quan tới môi trường.
Chia sẻ trên Người lao động, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổ trưởng tổ dân phố 24, phường Thanh Xuân Trung, cho biết, sáng 7/9, bà mới nhận được thư xin lỗi từ phía Công ty Rạng Đông và đã photocopy ra nhiều bản phát cho mọi người. Theo bà Huyền, Công ty Rạng Đông chỉ xin lỗi sau khi bà gửi đơn kiến nghị.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng việc Công ty Rạng Đông xin lỗi chính quyền, người dân dù hơi muộn nhưng có thể thông cảm và chấp nhận được. Tuy nhiên, xin lỗi thì phải biết mình có lỗi gì, lỗi như thế nào.
"Công ty Rạng Đông đưa ra lời xin lỗi nhưng vẫn chưa nêu rõ ảnh hưởng của vụ cháy đối với môi trường và người dân. Xin lỗi không thể nói suông được. Đi kèm lời xin lỗi cần phải có những hành động cụ thể để người dân yên tâm cũng như việc đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, cho môi trường thủ đô nói chung", nguồn tin trên dẫn lời ông Hòa nhấn mạnh và cho rằng, việc Rạng Đông không thông tin rõ ràng việc sử dụng thủy ngân lỏng trong rất nhiều sản phẩm bóng đèn huỳnh quang bị cháy khiến người dân hết sức bức xúc.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc đâọ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (VP Luật sư Chính pháp, Hà Nội) cho rằng, những cá nhân có trách nhiệm nhưng bưng bít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường gây hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân đến mức nghiêm trọng cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Nếu hành vi gian dối trong việc cung cấp thông tin có dấu hiệu vi phạm về phòng ngừa sự cố môi trường hoặc vi phạm về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác mà tỷ lệ 61 % trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản 1.000.000.000 đồng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo điều 237 Bộ Luật Hình sự", trên Trí thức trẻ dẫn lời luật sư Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để xác định có dấu hiệu hình sự trong vụ việc này hay không?, có khởi tố vụ án hình sự hay không?, cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân của vụ cháy, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện quy định về phòng ngừa sự cố môi trường, thực hiện quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường và hậu quả đã gây ra đối với tổ chức, cá nhân...
Cũng theo luật sư Cường, ngoài việc xác định làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xem xét trách nhiệm pháp lý, luật sư Cường cho rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng sẽ được đặt ra và cần phải được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người lao động, người dân.
"Với hậu quả của vụ cháy Rạng Đông gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Công ty phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật", luật sư Cường khẳng định.
Trước đó, công ty này cho rằng sau khi hỏa hoạn, công nhân dọn dẹp và làm việc bình thường... không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến môi trường, không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào đối với người dân.
"Những thiệt hại xảy ra đối với người dân có một phần lỗi của người đứng đầu, người có chức trách nhiệm vụ của công ty này. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại rất rõ ràng, theo pháp luật, kể cả trong trường hợp công ty này không có lỗi vẫn phải bồi thường.
Còn trường hợp có lỗi, trách nhiệm bồi thường sẽ lớn hơn và có thể xem xét về trách nhiệm về hành vi vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác", luật sư Cường nêu rõ và cho biết, ngoài việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, những người bị thiệt hại về sức khỏe cũng có quyền yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
Theo ông Cường, trong trường hợp Rạng Đông không bồi thường đúng, đầy đủ, kịp thời, người dân bị thiệt hại có quyền khởi kiện đến tòa án để được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Được biết, sau cuộc họp với UBND thành phố hôm 5/9, Cty Rạng Đông đã đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại gần vụ cháy, mỗi gia đình gồm một phích nước inox loại 2 lít và 5 bóng đèn Led blub loại 9W do chính đơn vị này sản xuất.
Bên cạnh đó, đơn vị này hỗ trợ bước đầu 1 triệu đồng cho mỗi hộ dân. Ngoài ra, với các hộ dân đã đi khám, làm xét nghiệm ở các bệnh viện cũng được công ty này hứa sẽ chi trả toàn số tiền chi phí.