(Tinmoi.vn) Không chỉ lo sợ có thể bị các đối tượng lạ mặt “khủng bố” bằng mắm tôm và chất thải, gia đình ông Ngô Đình Trang đã viết đơn xin làm “lồng bảo vệ” để phòng ngừa việc bị đổ xăng….đốt nhà…
Sống trong...sợ hãi
Theo phản ánh của ông Ngô Đình Trang - 74 tuổi - thường trú tại số nhà 12 (ngõ 85A, tổ 35, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội), từ giữa tháng 6/2013 tới nay, gia đình ông liên tục bị những kẻ lạ mặt đến nhà đe dọa, "khủng bố" tinh thần bằng cách ném mắm tôm, dầu luyn, lòng cá thối,... vào nhà khiến gia đình ông luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, lo âu.
Lý giải về việc gia đình mình bị nhốt và "khủng bố" bằng mắm, chất thải, bà Chu Thị Hải Lộc - vợ ông Trang cho rằng mặc dù gia đình không gây thù chuốc oán, không nợ nần ai nhưng rất có thể đấy là hành động đe dọa, "khủng bố" tinh thần nhằm xiết nợ của nhóm đối tượng cho vay nặng lãi nào đó đối với cô con dâu thứ hai tên là Mùng Thị D. hiện đã ly hôn và hoàn toàn không còn mối quan hệ gì với gia đình của bà.
Từ tháng 6/2013 đến nay, gia đình ông Ngô Đình Trang liên tiếp bị tấn công, "khủng bố" bằng mắm tôm và chất thải.
Theo bà Lộc, trước đó vào khoảng đầu tháng 6/2013 đã bắt đầu xuất hiện từng nhóm, từng tốp đối tượng lạ mặt, xăm trổ đầy mình kéo đến nhà để đòi ông bà phải trả nợ. “Khi đó, tôi có nói là chúng tôi không quen biết các anh và cũng không vay mượn ai cả thì nhóm người này hầm hè, đe nẹt rồi nói con dâu tôi vay tiền của họ nên họ đến đòi chúng tôi phải trả. Tôi có bảo là bây giờ con trai tôi và chị D. (người con dâu – PV) kia đã ly thân, cả nhà tôi cũng không biết chị ấy vay mượn ai, vay mượn cái gì, vay mượn bao nhiêu thì làm sao bắt chúng tôi trả nợ được. Sau đó họ mới bỏ đi nhưng vẫn chỉ mặt chúng tôi và bảo nếu ông bà mà không trả thì đến lúc đừng có trách”, bà Lộc kể lại.
Chiếc khóa chữ U mà nhóm đối tượng lạ mặt khóa bên ngoài khiến gia đình ông Ngô Đình Trang phải gọi công an tới phá khóa "giải cứu" (Ảnh gia đình ông Trang cung cấp)
Tưởng giải thích thế là xong xuôi nhưng liên tiếp những ngày sau đó, gia đình ông Ngô Đình Trang thường xuyên phải “tiếp đón” những vị khách không mời đều đến để “truy vấn, xiết nợ” số tiền mà cô con dâu tê D. kia đã vay của họ. “Con trai tôi thì đã ly thân với chị D., chúng tôi còn không biết chị D. đang làm gì, ở đâu, vay mượn ai bao nhiêu, vay mượn cái gì mà nay thì hai ba tốp người này đến đòi chúng tôi phải trả mười lăm, hai mươi triệu. Ngày mai lại có vài nhóm người khác kéo đến đòi chúng tôi trả họ hai mươi, ba mươi rồi bốn mươi triệu. Chúng tôi không biết mà cũng đào đâu ra tiền mà trả?”, ông Trang than thở.
"Mọi việc bắt đầu từ đêm ngày 14/6/2013, lúc đó khoảng 11 giờ đêm, khi con trai tôi đi làm về thì phát hiện cửa ngoài đã bị ai đó dùng loại khóa chữ U khóa lại. Chúng tôi ngủ trong nhà không biết gì nên khi con trai gọi ra thì thấy trên sàn và tường nhà nhoe nhoét mắm tôm, dầu luyn, sơn đen trộn lẫn với nhau bốc mùi hôi thối nồng nặc đựng trong những bịch nilon bị ai đó ném vào", ông Ngô Đình Trang kể lại. Theo ông Trang cho biết, ngay khi sự việc xảy ra gia đình ông đã gọi điện báo cho công an phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) đến phá khóa để "giải cứu" gia đình đồng thời lập biên bản vụ việc.
Những vết dầu luyn, mắm tôm, sơn và chất thải trên tường mà các đối tượng lạ mặt ném vào nhà ông Trang (Ảnh gia đình ông Trang cung cấp).
Chỉ ba ngày sau khi bị “khủng bố” lần thứ nhất, đêm 17/6/2013, gia đình ông Trang tiếp tục bị “nhốt” và ném phân, mắm tôm, lòng cá thối,… vào nhà lần thứ hai. Do lần này bị khóa trái cửa bên ngoài bằng hai lần khóa nên lại phải gọi điện cho công an phường mang búa và kìm phá khóa đến “giải cứu” cả nhà, lấy lời khai, lập biên bản hiện trường.
Viết đơn xin làm…lồng bảo vệ
Theo ông Trang, tính từ tháng 6/2013 đến nay, tháng nào gia đình ông cũng vài lần bị “khủng bố” bằng mắm tôm và chất thải vào nhà. “Mỗi lần chúng ném, tôi đều báo với tổ dân phố, trình báo với công an phường, gửi đơn kêu cứu đi các nơi. Công an cũng đã lấy lời khai, lập biên bản vụ việc, chụp ảnh hiện trường nhiều lần nhưng cũng chưa có biện pháp gì để ngăn chặn được việc này”, ông Ngô Đình Trang cho biết.
Để phòng ngừa việc bị ném chất thải vào nhà, phía trong gia đình ông Trang đã phải "gia cố" lại toàn bộ cửa nẻo bằng nylon và nhựa cứng.
Theo thời gian, “tần suất” bị ném chất thải vào nhà cũng tăng dần lên. Trước đây gia đình ông chỉ bị tấn công vào ban đêm thì nay bị ném bất kể thời gian, thời điểm cả sáng, trưa, chiều, tối,… Không chỉ tăng “tần suất” tấn công mà mức độ manh động của các đối tượng này cũng ngày càng tăng lên. Bà bà Chu Thị Hải Lộc - vợ ông Trang cho biết, đúng chiều 29 Tết Nguyên đán, khi cả gia đình bà đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng rồ ga xe máy rồi một bịch mắm tôm, lòng cá thối trộn sơn, nhớt thải bị ném thẳng vào giữa nhà. Đến khi cả nhà chạy ra thì các đối tượng kia đã phóng xe đi mất.
Phía bên ngoài, ông Trang mua bạt và nylon để căng lên che từ trên tầng ba xuống tầng một.
Do chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng chưa có biện pháp tích cực nào ngăn chặn, gia đình ông Trang đã phải nghĩ ra đủ mọi cách để có thể ngăn việc bị “khủng bố” bằng mắm tôm và chất thải vào nhà. Toàn bộ cửa ra vào và cửa sổ của gia đình đã được “gia cố” bằng 4 lớp nylon và nhựa cứng. Phía bên ngoài, gia đình ông phải sử dụng một tấm bạt lớn căng từ trên tầng ba xuống tầng một và cửa lúc nào cũng đóng kín để ngăn ngừa và phòng bị mà vẫn không được vì mới đây, trong hai ngày 13 và 14/3/2014, các đối tượng kia đã dung dao rạch bạt, xé lớp nhựa cứng bên ngoài cửa rồi ném chất thải vào nhà.
Biết được tất cả các thứ kia chỉ là “giải pháp tình thế” và có thể bị phá hỏng bất cứ lúc nào. Để “tính kế lâu dài”, ông Trang đã viết đơn xin chính quyền địa phương cho làm một chiếc “lồng bảo vệ”’ hàn bằng sắt, bên ngoài bọc tôn để tự bảo vệ bản thân và gia đình. “Dù chính quyền chưa cho phép nhưng gia đình vẫn đánh liều để làm, tôi chỉ sợ chúng nó đổ xăng vào đốt nhà lúc nào không biết thôi”, ông Ngô Đình Trang chua chát nói.
Công an không đeo bảng tên, số hiệu khi tiếp công dân Ngày 17/3/2014, PV đến công an phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) để liên hệ công tại phòng trực ban của công an phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), tiếp PV là một đồng chí công an đeo hàm thượng hất hàm hỏi: “Có việc gì đấy?”. Sau khi nghe PV trình bày lý do tới liên hệ làm việc, đồng chí công an này nhấc điện thoại lên gọi một lúc rồi quay sang nói về vấn đề này phải làm việc với đồng chí Diệp là cảnh sát khu vực. Khi PV hỏi làm việc ở đâu thì vị công an trực ban này khoát tay, nói trống không: “Lên tầng 2, rẽ tay trái, ông ấy ngồi đấy”. Lên đến tầng 2, tại phòng hội trường mà đồng chí trực ban chỉ dẫn hoàn toàn không có ai, PV quay xuống để hỏi lại trực ban thì đồng chí này thản nhiên: "À, thế thì chắc là xuống địa bàn rồi. Thử xuống dưới địa bàn xem". PV hỏi địa bàn là ở đâu, họ tên đầy đủ của cán bộ phụ trách sẽ làm việc với PV là ai thì đồng chí trực ban này tiếp tục hất hàm và nói trống không: "Đấy, địa bàn đấy, tổ 35, 36 gì đấy. Đấy, ông ấy đấy, Diệp đấy. Nguyễn Tạo Diệp đấy, số điện thoại ở trên bàn đấy". Trong quá trình trao đổi hoặc làm việc, dù PV đều gọi “anh” xưng “tôi” theo đúng nguyên tắc làm việc cũng như giao tiếp xã hội nhưng điều khó hiểu là ngoài việc không đeo bảng tên, số hiệu cũng như băng trực ban theo quy định thì đồng chí thượng sĩ trực ban công an phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) đều nói trống không, không có chủ ngữ, vị ngữ đối với người đang làm việc trực tiếp với mình. Chưa bàn đến cách ứng xử tối thiểu trong giao tiếp ở trường hợp này, nhưng tại Thông tư 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an Nhân dân cũng đã từng ghi rõ: "Khi làm việc và quan hệ công tác với cán bộ và nhân dân: Tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng “đồng chí” và xưng “tôi”; hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam", chẳng lẽ đồng chí thượng sỹ trực ban công an phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) lại chưa đọc? |
Bài 2: Chính quyền bất lực hay thờ ơ?
Hải Phạm