Theo tin tức trên Vnexpress, Lao động, Vietnamnet, Hà Nội vừa ghi nhận trường hợp một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore dẫn đến sốc nhiễm khuẩn. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân này bị các bác sĩ tiên lượng khả năng tử vong rất cao.
Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, đây là trường hợp bệnh rất nặng, tiên lượng tử vong những ngày đầu nhập viện lên đến hơn 90%.
Bệnh nhân là Đinh Thị T (62 tuổi, ở Cổ Đông, Sơn Tây). Vài tháng trước, bệnh nhân đã điều trị vết thương viêm tấy ở bàn chân trái, có hoại tử xương trên nền bệnh nhân tiểu đường tuyp II – tăng huyết áp- suy tuyến thượng thận ở một số cơ sở y tế.
Trước đó, bà T bị ngã, đập cánh tay bên trái xuống nền nhà vệ sinh. Sau ngã, cánh tay bên trái sưng nề, bầm tím, có hoại tử cơ.
Bệnh nhân nhập viện đa khoa Sơn Tây trong tình trạng sốt cao kéo dài, rét run, mạch nhanh, huyết áp thấp, khó thở nhiều.
Người bệnh được chẩn đoán theo dõi sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, hoại tử cơ cánh tay trái trên nền bệnh nhân tiểu đường – tăng huyết áp và suy tuyến thượng thận.
Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Ngoại chấn thương vừa kết hợp điều trị, phẫu thuật, vừa hồi sức tích cực, đồng thời cấy máu tại khoa Vi sinh, phát hiện trong máu có vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Withmore.
>> Xem thêm: Đà Nẵng ghi nhận BN Covid-19 tái dương tính đầu tiên sau khi xuất viện
Bệnh melioidosis hay còn được gọi là bệnh Whitmore, đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Australia do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.
Do có một số loại melioidosis khác nhau và mỗi loại đều gây cho người bệnh những các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là melioidosis có một loạt các dấu hiệu và triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao hoặc bệnh viêm phổi.