Phương án nêu rõ, thành phố Hà Nội là Thủ đô và cũng là Trung tâm Văn hóa, Giáo dục, Chính trị của cả nước với nhiều cơ quan Bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn và các doanh nghiệp nên có sự giao lưu giữa trong và ngoài nước và các tỉnh, thành trên toàn quốc nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao; hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh, từ ngày 29/4/2021 đến 4/8/2021 ghi nhận 1.429 ca mắc, trong đó 864 ca phát hiện ngoài cộng đồng.
Thành phố đã ban hành Phương án về việc đáp ứng 1.000 giường điều trị người bệnh Covid-19, giường bệnh cho người nghi ngờ Covid-19. Đến ngày 04/8/2021 các bệnh viện đã điều trị 1.283 người bệnh Covid-19, hiện đang điều trị 817 người bệnh.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp (những ngày gần đây, số mắc luôn ở mức cao từ 60 - 80 ca bệnh/ngày), để chủ động đáp ứng trong trường hợp dịch bùng phát với số lượng người mắc lớn, UBND TP đã xây dựng Phương án đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, sẵn sàng thu dung điều trị người bệnh, hạn chế tử vong, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Từ đó, UBND TP ban hành phương án bố trí đảm bảo oxy tế trong tình huống 40.000 người bệnh mắc Covid-19 cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế; Sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn như sau: Giai đoạn đáp ứng tình huống 10.000 ca mắc; 20.000 ca mắc và 40.000 ca mắc.
Nguyên tắc phân luồng, điều phối oxy y tế, theo phương án này, việc phân loại người bệnh theo mức độ bệnh căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ (83,6%) và mức độ trung bình (07%); Bệnh nhân nặng cần thở oxy, oxy gọng kính (3,8%) và Bệnh nhân rất nặng cần thở máy xâm nhập và không xâm nhập (3,6%); Bệnh nhân nguy kịch và ECMO (02%).
Do vậy, với trường hợp 40.000 người bệnh mắc Covid-19 sẽ có 3.120 người bệnh phải sử dụng oxy y tế (9,4%). Việc điều phối oxy y tế đến các cơ sở thu dung, điều trị trong từng thời điểm căn cứ vào việc sử dụng thực tế tại các cơ sở được phân công thu dung, điều trị.
Trong đó, nhu cầu oxy lỏng sử dụng cho 14 ngày là: 913,060 tấn hoặc 126.814 chai 40 lít; sử dụng cho 30 ngày là: 1.956,557 tấn hoặc 271.744 chai 40 lít.
Phương án cũng phân công Sở Y tế tham mưu xây dựng phương án trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt; Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc được phân công, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, thường xuyên cập nhật mức độ sử dụng Oxy y tế theo từng giai đoạn trong phương án; các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đầu mối để tiếp nhận thông tin Oxy y tế, liên hệ với Sở Y tế.
Phối hợp với Sở Công Thương về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội để việc đặt hàng nguồn sản xuất, cung cấp oxy y tế, không để đứt gãy nguồn cung cấp; Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tham gia xây dựng phương án tiếp nhận đưa vào sử dụng, dự trữ sẵn sàng oxy y tế.
Sở Công Thương cung cấp cho Sở Y tế thông tin về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp liên hệ với các doanh nghiệp khi cần thiết.
Yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội cam kết đảm bảo nguồn cung ứng không để gián đoạn, thiếu oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.
Trong phương án, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị đề nghị Bộ Y tế và các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo: các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện Bộ, ngành trên địa bàn Thành phố phối hợp với Sở Y tế Hà Nội trong việc điều phối oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội; các công ty sản xuất, phân phối đảm bảo không để xảy ra gián đoạn, thiếu oxy y tế cho bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.