Ngồi một góc trên chiếc giường tre ọp ẹp, 4 đứa trẻ nhem nhuốc ôm lấy nhau cho qua cơn đói bụng trong lúc người mẹ ôm bụng bầu 8 tháng loay hoay chuẩn bị cơm chiều. Từ nhiều năm nay, cuộc sống của chị Kiên Thị Huyền chưa lúc nào bớt khổ khi con thì đông mà hai vợ chồng lại khờ khạo hơn người ta.
Chỉ mong có đủ 500.000 đồng để đi bệnh viện sinh con
Nhắc đến gia đình chị Kiên Thị Huyền (33 tuổi, dân tộc Khơ-me), người dân ở ấp xóm Lớn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh cả gia đình từ người lớn đến trẻ con chỉ biết cười nói suốt cả ngày. Dù được mọi người thường xuyên giúp đỡ nhưng cái nghèo vẫn bám víu lấy gia đình chị Huyền từ năm này qua năm khác.
Ẵm đứa con gái út vừa tròn 2 tuổi vào lòng, chị Huyền nhấc từng bước chân khó nhọc loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều. Mấy đứa trẻ nheo nhóc bám lấy mẹ, chốc chốc lại phá lên cười ngây dại.
Dù đã đến tuổi đi học nhưng 3 trên 4 đứa con của chị Huyền đều phải ở nhà vì không đủ tiền để mua quần áo, tập vở. Nhìn 4 đứa con, chị Huyền ứa nước mắt: "Mấy bữa nay nhà hết gạo, chị phải đi mượn hàng xóm, mà mượn hoài người ta đâu có cho. Trước ngày ba bữa, giờ chỉ còn một, tụi nhỏ đói bụng khóc thét mà không biết phải làm sao".
Không nghề nghiệp ổn định, lại sinh quá nhiều con khiến cuộc sống của gia đình chị chưa một ngày hết khổ.
Theo chị Huyền, trong lúc đi làm thuê, chị tình cờ quen biết anh Thạch Lại (32 tuổi), cảm mến hoàn cảnh của nhau, cả hai quyết định nên duyên vợ chồng. Sau khi kết hôn, vì không có đất có vườn, lại ít học nên hai vợ chồng chỉ biết quanh quẩn ở nhà, ai kêu gì làm nấy, những đứa con cũng lần lượt ra đời trong cảnh túng quẫn nợ nần.
"Chị nào có muốn sinh nhiều con, mà không biết làm cách nào để hết đẻ nữa. Cũng vì không có tiền đi bệnh viện, hai đứa trước chị cũng đẻ rớt ở nhà, may mà tụi nhỏ không bị làm sao cả", lấy bàn tay xoa vào bụng bầu 8 tháng, chị Huyền nghẹn ngào nói tiếp: "Chị sắp sinh rồi, mà không biết con trai hay con gái, chỉ mong mượn được tiền để đến bệnh viện sinh con, mấy bữa anh Lại có đi hỏi người ta mượn 500.000 đồng nhưng người ta chưa cho. Mình cứ mượn nợ hoài, ai mà dám cho nữa chứ".
Để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày anh Lại đi vác lúa thuê cho người ta, hôm nào hết việc, lại xuống ao bắt cua, ốc đem đi bán đổi lấy gạo về nấu cơm, còn chị Huyền phải ở nhà để chăm sóc cho 4 đứa trẻ.
"Mấy năm nay, chưa một ngày nào mà trong nhà dư được 5 kg gạo, cứ hết gạo chị lại dắt mấy đứa nhỏ đi xin mì để ăn tạm. Tụi nhỏ cứ hỏi chị sao không cho chúng đi học. Chị không biết phải trả lời sao cả, cơm ngày ba bữa còn không đủ no thì sao có tiền mà cho chúng đến trường được cơ chứ", chị Huyền bật khóc.
Trẻ con hóa dại vì thiếu ăn, giành nhau bát cơm trắng trộn xì dầu
Ngồi lọt thỏm trước cửa nhà, Thạch Văn Quận (8 tuổi) bưng chén cơm trắng trộn xì dầu, ăn một muỗng lại đút cho đứa em út Thạch Thị Cẩm Tiền (2 tuổi) một muỗng. Chẳng mấy chốc, chén cơm chiều hết sạch trong khi cái bụng đói của hai đứa trẻ vẫn chưa no.
Quận buồn bã nói: "Con đói bụng mà em Tiền cũng đói nữa, tụi con phải chia cơm nhau để ăn. Trước con thích ăn cá thịt lắm, mà xin hoài mẹ cũng không có tiền để mua nên giờ con chỉ muốn được ăn no thôi".
Quệt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má, chị Huyền nghẹn lời: "Chị nào muốn các con mình bị đói bụng đâu, mà giờ bụng bầu đã 8 tháng, không ai thuê mướn, chị đâu thể đi làm gì được. Anh Lại thì làm bao nhiêu cũng không đủ để xoay sở trong nhà, chị cũng không biết tính làm sao".
Kể từ lúc mang bầu đứa thứ 5, cuộc sống gia đình chị Huyền càng chồng chất khó khăn. Khác với những người phụ nữ mang bầu khác, mọi công việc ở nhà đều do một tay chị Huyền làm hết, đến cả việc đi khám thai chị cũng không dám đi lần nào vì sợ không đủ tiền.
"Chị bị bệnh động kinh, trí nhớ cũng không được tốt lắm nhưng cũng không dám đi bệnh viện vì sợ tốn tiền. Ở nhà mấy đứa nhỏ lại không ai chăm sóc, giờ chỉ mong sinh xong em bé, mọi người giúp chị để không sinh con nữa, chứ sinh nhiều khổ lắm mà chẳng biết làm sao", chị Huyền tâm sự.
Sà vào lòng mẹ, Thạch Thị Cẩm Tú (6 tuổi) thỏ thẻ nói: "Con thương mẹ lắm, con không đòi bánh kẹo, quần áo mới nữa đâu". Dù chỉ mới 6 tuổi nhưng Tú rất ngoan ngoãn, thường hay giúp mẹ chăm sóc các em.
"Con thích được đi học lắm, đi học để biết chữ rồi mai mốt người ta mới thuê mình đi làm kiếm tiền. Con ước sau này mình có thật nhiều tiền để không phải nhịn đói nữa. Con lớn rồi chịu được, chứ mỗi lần nhìn thấy em Quân (3 tuổi) và Tiền (2 tuổi) khóc thét vì đói bụng, con buồn lắm", Cẩm Tú ngây ngô nói.
Trong căn nhà lá xập xệ, 4 đứa trẻ tụm lại quanh nồi cơm, cố lục lọi vét mót những miếng cơm cháy còn sót lại để cho vào bụng. Từ khi sinh ra đến bây giờ, chưa một ngày nào tụi nhỏ được no bữa. Cứ mỗi lần nhìn thấy con như vậy, chị Huyền lại bật khóc.
"Giá mà mình có điều kiện như người ta, thì các con cũng bớt khổ. Giờ cái nhà dột, mưa xuống là ướt cả người vợ chồng chị cũng chưa mua được lá dừa để lợp lại nữa. Chỉ mong có được một số tiền để chị đi bệnh viện sinh con rồi hai vợ chồng cố gắng làm thuê cuốc mướn để lo cho các con", chị Huyền nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ông Chí Thanh – Chủ tịch UBMT xã Châu Điền cho biết gia đình chị Kiên Thị Huyền là một trong những hộ thuộc diện "nghèo bền vững" của xã Châu Điền khi không có cách nào để thoát nghèo.
"Nhà chị Huyền thì đông con mà cả hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định, mặc dù xã cũng có hỗ trợ nhu yếu phẩm, tạo nhiều điều kiện nhưng vẫn chưa thể giúp gia đình thoát nghèo. Cũng mong có thêm nhiều sự hỗ trợ, đóng góp của quý mạnh thường quân để giúp đỡ gia đình chị Huyền, cho mấy đứa trẻ được đến trường đầy đủ", ông Thanh nói.
Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Huyền khi mang bầu 8 tháng mà không có tiền đi bệnh viện, nhà lại quá đông con. Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý độc giả gần xa giúp đỡ để gia đình chị Huyền có cuộc sống tốt hơn, các bé được cắp sách đến trường.
Văn Tiên
Theo aFamily/Trí Thức Trẻ