Nếu không có sự can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa 2,3-4,3 triệu "chú rể" không tìm được vợ để kết hôn.
Nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ), Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã khởi động chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh” vào sáng 23/9 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: "Chúng tôi giật mình khi đi kiểm tra một số xã ở đồng bằng sông Hồng, có xã lên đến gần 150 trẻ trai/100 trẻ gái lúc ra đời. Mất cân bằng giới tính khi sinh lộ quá rõ. Hậu quả này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào, các làng xã sẽ thiếu phụ nữ, cô dâu, rất nhiều điều bất lợi. Việt Nam chưa phải nước giàu như Hàn Quốc để lấy cô dâu ở nước ngoài”.
35 năm nữa, hàng triệu thanh niên Việt Nam sẽ có thể phải đổi diện với tình trạng ế vợ
Báo cáo về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, đại diện vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số cho biết, trong mấy thập kỷ tỷ lệ nữ chiếm khoảng 53-52%, nam giới 47-48% và được duy trì khá ổn định.
Nhưng trong 14 năm qua, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần từ 105, 106 đến 120 bé trai trên 100 bé gái.
Tuy nhiên, hiện nay nếu không có sự can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa 2,3-4,3 triệu "chú rể" không tìm được vợ để kết hôn.
Vẫn theo vị này, ngoài nguyên nhân do khoa học kỹ thuật phát triển có thể biết giới tính thai nhi trước khi sinh thì còn có lý do quan niệm. Nếu người miền Nam quan niệm con nào cũng là con, miễn khỏe mạnh, người miền Bắc lại thích con trai.
Tỷ lệ bé trai/bé gái ở các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng đang cao nhất cả nước, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Nếu năm 1999, chỉ có 3/8 vùng địa lý mất cân bằng giới tính khi sinh thì hiện nay tình trạng này đã diễn ra ở hầu hết các vùng miền trong cả nước.
Đáng lưu ý hơn cả, nếu các nước trên thế giới tình trạng mất cân bằng giới tính thường xảy ra nhiều ở lần sinh thứ hai thì ở Việt Nam điều này xảy ra ngay từ lần sinh đầu. Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia trên thế giới đặt câu hỏi về việc lựa chọn giới tính khi sinh con của Việt Nam.
Vẫn theo báo cáo này, ở thành thị Việt Nam tỷ lệ sinh con trai lần đầu nhiều hơn trong khi nông thôn thì ngược lai. Ngoài ra, tỷ lệ sinh con trai thường tập trung cao ở các gia đình khá giả (112 bé trai/100 bé gái) trong khi các gia đình nghèo thì con số này chỉ là 105/100.
Theo nghiên cứu trước đây (Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, 2007) nguyên nhân được đề cập nhiều nhất là tình trạng phá thai chọn lọc giới tính của một số cặp vợ chồng sau khi đã biết giới tính bào thai thông qua chuẩn đoán giới tính trước sinh.
Thứ trưởng Tiến cho rằng những biện pháp trong thời gian vừa qua nhằm giảm sự gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh như cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... có tính khả thi không cao, mà biện pháp căn bản vẫn là phải thay đổi tư tưởng.
Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị phụ nữ.
"Để giải quyết vấn đề, Việt Nam cần xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em”, ông nói.