Tin mới

Đời tư rắc rối của các tiếp viên hàng không

Thứ ba, 23/09/2014, 09:18 (GMT+7)

"Tôi lái xe sang, xách túi xịn để đi gặp bạn bè, nhưng vẫn phải ăn bánh mì nguội trong cô độc vì không có tiền để vào nhà hàng", Vanessa, một nữ tiếp viên hàng không, chia sẻ.

"Tôi lái xe sang, xách túi xịn để đi gặp bạn bè, nhưng vẫn phải ăn bánh mì nguội trong cô độc vì không có tiền để vào nhà hàng", Vanessa, một nữ tiếp viên hàng không, chia sẻ.

 

Vanessa là một nữ tiếp viên hàng không của hãng Singapore Airlines. Cô mới 29 tuổi nhưng đã sở hữu đến 10 tấm thẻ tín dụng và hơn 30.000 USD tiền nợ ngân hàng. Bất chấp số hóa đơn nợ tín dụng ngày một tăng, Vanessa vẫn đắm mình trong thế giới nhung lụa với những chiếc túi hàng hiệu xa xỉ bậc nhất, phần nhiều trong số đó vẫn còn nguyên mác, và chiếc xe thể thao đắt tiền.

Quảng cáo của hãng hàng không Singapore Airlines trong một trung tâm thương mại. Ảnh: AFP

Hành động có phần ngông cuồng của cô thực ra không hề xa lạ với những người trong ngành. Theo Vanessa, phần lớn các đồng nghiệp của cô đều có lối sống tương tự. Với vẻ ngoài trẻ trung, xinh đẹp và cái "mác" tiếp viên hàng không, họ duy trì phương châm "sống là không chờ đợi" và chi nhiều hơn số tiền kiếm được.

Tuy nhiên, tình trạng của Vanessa còn nghiêm trọng hơn nhiều. Cô đã tích lũy món nợ lớn tới mức, chỉ riêng việc trả lãi đã đủ làm cô khổ sở.

Lái xe sang và ăn bánh mì nguội

 "Tôi biết mình đang mắc kẹt trong mớ bòng bong, nhưng không có cách nào thoát ra. Tôi có thể bán túi, nhưng không thể bán xe. Đó là một tổn thất to lớn", cô gái với gương mặt thanh tú, rạng rỡ, nói.

Vanessa bắt đầu dấn thân vào ngành công nghiệp hàng không sau khi tốt nghiệp một trường đại học tư thục sở Singapore khoảng 5 năm trước. Cô gái trẻ gần như ngay lập tức bị thu hút bởi lối sống hối hả và hưởng thụ của các đồng nghiệp.

“Lúc đầu tôi chỉ mua một chiếc túi hàng hiệu sau mỗi chuyến bay thôi. Nhưng số lượng nhanh chóng tăng lên và tôi chi khoảng 4.000 USD cho những chiếc túi của các thương hiệu nổi tiếng như Miu Miu hay Prada sau mỗi chuyến di. Nửa năm sau đó, con số đã tăng lên thành 7.000 USD. Tôi chuyển sang dùng các dòng túi cao cấp của Chanel và Hermes”, Vanessa nói trong cuộc phỏng vấn với Yahoo News.

Vanessa từ chối bình luận về mức lương cụ thể của bản thân, nhưng hé lộ rằng, mỗi tháng, cô kiếm được trung bình 6.000 USD.

Trong khi đó, cô phải chi tới 2.500 USD/tháng cho chiếc xe, thứ mà Vanessa thừa nhận là rất khó sử dụng bởi cô đang sống trong thành phố. Số tiền còn lại bị nướng vào các khoản mua sắm vô bổ hoặc trả nợ.

"Tôi biết mình đang hành động rất ngu ngốc. Tôi lái xe sang, tay xách túi xịn để đi gặp bạn bè, nhưng luôn bỏ về trước giờ ăn và phải gặm bánh mì nguội trong cô độc vì không có tiền để ăn hàng như họ. Tôi cũng không dành được chút tiền tiết kiệm nào. Thành thật mà nói, tình hình tài chính của tôi tệ đi rất nhiều từ khi đi làm", cô nói.

Tuy nhiên, thay vì nỗ lực thay đổi lối sống để cân đối các khoản thu chi và xóa nợ, Vanessa lại khẳng định không có ý định từ bỏ cuộc sống mà theo cô là rất "sang chảnh". "Hầu hết các đồng nghiệp của tôi đều sống trong cảnh nợ nần. Chúng tôi hay đùa với nhau rằng 'Tất cả những gì chúng ta cần làm là học theo Jamie Cuaca và sống yên ổn nốt phần đời còn lại'", Vanessa nói.

Jamie Cuaca, hiện là Jamie Chua, từng là một tiếp viên hàng không của hãng Singapore Airlines. Chồng trước của cô là tỷ phú người Indonesia Nurdian Cuaca. Hai người quen nhau trên khoang VIP của những chuyến bay mà Jamie Chua làm nhiệm vụ.

Cuộc ly hôn ầm ĩ của họ bắt nguồn từ nhu cầu tiêu xài hơn 500.000 USD/tháng của Chua. Cô nổi tiếng nhờ bộ sưu tập những chiếc túi đắt tiền và quý giá nhất của thương hiệu xa xỉ Hermes.

"Tôi nghĩ cách duy nhất để ngừng việc tiêu xài như điên ấy là nghỉ việc. Phải như vậy tôi mới không cảm thấy áp lực trong việc giữ gìn hình tượng. Nhưng mức lương của một tiếp viên hàng không quá tốt, và tôi đã làm việc này trong 5 năm. Tôi không thể tưởng tượng mình có thể làm gì khác", Vanessa nói.

Tiếp viên của hãng hàng không Air Asia Japan trên một chuyến bay. Ảnh: AFP

Rụng tóc, tăng cân và nứt gót chân

Khoản nợ tín dụng khổng lồ không phải là vấn đề duy nhất Vanessa phải đối mặt. Min, một đồng nghiệp của cô ở hãng Singapore Airlines, cho biết sức khỏe của các tiếp viên hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường làm việc trên máy bay.

"Chúng tôi phải buộc chặt mái tóc dài trong hàng giờ và dùng rất nhiều keo xịt tóc. Mái tóc bị buộc chặt khiến nhiều người mắc chứng đau đầu nặng. Keo xịt tóc cũng không tốt cho da đầu, dẫn tới chứng rụng tóc", Vanessa nói.

Làn da của các nữ tiếp viên cũng bị ảnh hưởng bởi không khí trên máy bay rất khô. Việc đứng cả ngày khiến các cô gái bị nứt gót chân và giãn tĩnh mạch. "Tiếp viên hàng không là công việc bạn chỉ có thể làm khi còn trẻ, bởi nếu không tích cực chăm sóc sức khỏe, cơ thể bạn sẽ không thể chịu nổi áp lực từ những chuyến bay kéo dài và liên tục", Min, 28 tuổi, nói.

Cô đã cắt tóc ngắn sau những tháng ngày bị hành hạ bởi chứng đau đầu, xuất phát từ mái tóc dài bị buộc chặt suốt nhiều giờ. Hội chứng khô mắt, mệt mỏi và áp lực trong việc kiềm chế cân nặng cũng là những vấn đề mà các tiếp viên phải đối mặt, bởi điều kiện khắc nghiệt trong cabin và lịch sinh hoạt bất thường.

"Rất nhiều cô gái lén dùng thuốc Giảm cân để kiểm soát cân nặng. Chúng tôi không có thời gian để đi tập thể thao thường xuyên. Chúng tôi không đợi người khác nói thẳng rằng 'cô đang béo lên đấy' mới biết ý thức về việc giữ gìn hình ảnh. Cuộc sống của chúng tôi là như thế đấy", Min nói.

Những mối quan hệ không rõ ràng

Cả Vanessa và Min đều không có nổi một mối quan hệ ổn định từ khi bắt đầu công việc tiếp viên hàng không. Không chàng trai nào có thể chấp nhận việc người yêu họ phải đi công tác biền biệt và không có nổi một chút thời gian rảnh dành cho nhau.

"Cuối cùng, tôi chọn cách hẹn hò với các đồng nghiệp nam. Nhưng vì cả hai bên đều biết rõ về những cám dỗ luôn thường trực trên các chuyến bay, nên mối quan hệ ấy cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu", Vanessa nói.

Nhưng không phải tiếp viên hàng không nào cũng tự cho phép bản thân hưởng thụ cuộc sống điên cuồng như Min và Vanessa. Nhiều người xác định rõ mục tiêu của họ từ trước khi bắt đầu công việc và làm mọi cách để duy trì mục tiêu ấy.

"Tôi cũng bị hấp dẫn bởi những món đồ hàng hiệu trong các cửa hàng hạng sang ở châu Âu. Nhưng tôi tự kiểm soát chính mình bằng cách để thẻ tín dụng ở nhà và chỉ đem một lượng nhỏ tiền mặt theo người", James, 27 tuổi, nói.

Anh hiện là tiếp viên hàng không của hãng Qantas và xác định mục tiêu làm việc là để kiếm tiền trả món nợ học phí đại học. Sau hai năm làm việc ở Qantas, James đã kiếm đủ tiền trả nợ và để dành được một khoản kha khá. James định trích một phần trong số đó để mua nhẫn đính hôn cho cô bạn gái lâu năm, người đang sống cùng anh tại một căn hộ.

"Những bữa tiệc và áp lực thể hiện hình ảnh trước các đồng nghiệp rất dễ khiến bạn mất tập trung. Nhưng tôi đã xác định rõ mục tiêu. Với tôi, tiếp viên hàng không không chỉ là công việc. Nó giúp tôi có cơ hội khám phá thế giới, kiếm tiền trả nợ và đỡ đần cha mẹ", anh nói.

"Tôi biết hưởng thụ cuộc sống muộn hơn nhiều so với những người được cha mẹ chu cấp toàn bộ tiền ăn học.  Nhưng thật tốt khi không phải gánh khoản nợ nào khác ngoài học phí", James chia sẻ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news