(Tinmoi.vn) Khách hàng khi bị chậm hủy chuyến có quyền được hưởng các dịch vụ gì, có được đền bù hay bồi thường gì không? Cụ thể trong các trường hợp như chậm từ bao nhiêu phút trở lên được phục vụ nước uống, bao nhiêu giờ được phục vụ đồ ăn, phải chờ qua đêm tại sân bay thì sao?...
Đó là những câu hỏi đang được đặt ra cho đại diện các hãng bay trong buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề Quyền lợi của hành khách và giải pháp giảm chậm, hủy chuyến bay do báo giao thông tổ chức.
Trả lời về vấn đền này, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Jetstar Pacific – cho biết: “Thời gian qua đã có quy định cụ thể của Bộ GTVT và Cục Hàng không VN về việc chậm hủy chuyến bay. Đó là QĐ số 10/2007 của Bộ GTVT, quy định khi chuyến bay bị hủy 24h so với giờ hành khách đã mua vé thì hãng hàng không phải trả lại tiền cho hành khách với mức: 100.000 đồng với các đường bay dưới 500km; 200.000 đồng với các đường bay trên 500 km; 300.000 đồng với các đường bay trên 1.000 km; không trả tiền nếu hãng đã thông báo trước với hành khách 24h...
Thông tư 06/2009 của Bộ GTVT áp dụng trong trường hợp chậm trên 20 phút thì cứ 15 phút hãng hàng không phải thông báo, xin lỗi hành khách. Nếu chậm trên 2h phục vụ nước uống, trên 3h phục vụ đồ ăn, trên 6h phục vụ chỗ nghỉ, trên 12h phải đổi chuyến
Ông Hà cũng cho hay, với những chuyến bay chậm dưới 3h, hãng luôn ưu tiên cho hành khách đổi chuyến, hoàn vé, chuyển sang các chuyến bay của VNA nếu còn chuyến… Chậm từ 3h - 6h, hành khách có thể hoàn vé, đổi sang chuyến bay khác của JPA hoặc VNA, được nhận voucher bồi thường thiện chí 150.000 đồng/chặng dưới 500 km, 300.000 đồng/chặng 500 - 1.000 km, 400.000 đồng/chặng từ 1.000 km trở lên. Nếu chậm 6h, áp dụng như chuyến bay bị chậm trên 3h và dưới 6 giờ nhưng thay voucher bằng việc bố trí khách sạn cho hành khách phù hợp với điều kiện của sân bay.
Các công nhân bị trễ 2h chuyến bay đến Cam Ranh. Ảnh: Báo Giao thông
Còn Ông Nguyễn Đức Tâm, phó Tổng giám đốc Vietjet Air thì cho biết, do những tình huống cụ thể có thể gọi là hỗ trợ thiện chí hành khách chứ không gọi là bồi thường.
Trong đó, với các đường bay nội địa: Tuyến dưới 500km Vietjet Air sẽ hỗ trợ kinh phí cho hành khách 100 nghìn đồng; tuyến 500 đến dưới 1 nghìn km thì hỗ trợ 200 nghìn đồng; Tuyến trên 1.000km là 300 nghìn đồng.
Còn với các tuyến quốc tế: Tuyến dưới 1.000km là 25 USD; Tuyến từ 1.000km đến dưới 2.500km là 50 USD; Tuyến từ 2.500km đến dưới 5.000km là 80 USD; Tuyến từ trên 5.000km là 150 USD.
Về mức bồi thường được coi là quá thấp, chỉ từ 100 - 200 nghìn, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Hàng không giải thích: “Gần đây, chúng ta có học tập qui định của EU, về bôi thường không hoàn lại, tức là qui vào việc bắt buộc phải có thiện chí, cứ mỗi hành khách phải có từng ấy tiền, gọi là bồi thường ứng trước không hoàn lại. Kể cả sau này xem xét không phải lỗi của anh thì cũng không hoàn lại. Ở Châu mức bồi thường này rất cao. Chúng ta đã áp dụng theo, nhưng mức của chúng ta quá thấp vì phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của hãng hàng không và khách hàng nên không trả được như mức của EU. Trong khi EU thấp nhất là 250 ERO.
Đặc thù của Việt Nam là xã hội chưa quen, mỗi hành khách có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại thông qua hợp đồng dân sự giữa nhà vận chuyển và hành khách thông qua hợp đồng dân sự trong Bộ Luật dân sự, trong đó có điều Bồi thường thiệt hại trong thực hiện hợp đồng”.
Nam Nam