Thông tin mới nhất trên Vnexpress và Vietnamnet cho hay trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, hơn 405.000 thí sinh đỗ đại học theo kết quả thi.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT sau lọc ảo vào, số thí sinh trúng tuyển đạt 115% chỉ tiêu.
So với năm 2017 và 2018, kết quả tuyển sinh đợt 1 được đánh giá tương đối ổn định với khoảng 405.190 thí sinh trúng tuyển trong khi chỉ tiêu từ điểm thi THPT quốc gia là hơn 351.000. Con số này cao hơn hai năm trước khoảng 9.000.
Số thí sinh trúng tuyển sư phạm là 18.530, mới đạt 62,3% chỉ tiêu.
Số liệu này được thống kê từ 90 trường phía Nam và 53 trường phía Bắc tham gia lọc ảo. Trước đó, có hơn 35.000 thí sinh đã xác nhận nhập học theo phương thức khác (không dựa vào điểm thi THPT quốc gia).
Những thí sinh này được đưa ra khỏi danh sách tham gia xét tuyển đợt 1.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, có khoảng 49% trường có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên, 61% đơn vị từ 70% trở lên. "Có thể nói, công tác tuyển sinh năm 2019 đã gần như hoàn tất", bà Phụng cho biết.
Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng cùng mức tăng điểm sàn, trong đó trường truyền thống đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn, ví dụ Đại học Sư phạm Hà Nội hay Đại học Sư phạm TP HCM.
Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường đào tạo ngành sức khỏe cũng tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước vì 2019 là năm đầu có điểm sàn riêng cho khối sức khỏe. Mức điểm trúng tuyển của các trường đào tạo y khoa được rút ngắn khoảng cách, còn từ 21 đến 26,75 điểm.
Ngoài khối y dược và kinh tế, một số trường kỹ thuật có điểm sàn ở top cao nhất như Đại học Bách khoa Hà Nội có 7 ngành lấy từ 24 đến 27,42 điểm.
Năm 2019, cả nước có hơn 887.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký thi để xét tuyển đại học là 653.200. Tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học là 489.630, trong đó 341.840 xét bằng điểm thi THPT quốc gia, còn lại bằng các phương thức khác.