Các báo VTC, Khám phá, Vnexpress mới đây đã đưa ra một số phân tích về quyết định chiêu mộ Công Phượng của CLB Sint-Truidense . Bên cạnh yếu tố chuyên môn, khi chiêu mộ Công Phượng, Sint-Truidense đã tính đến hiệu quả thương mại. Cầu thủ xứ Nghệ đã chinh chiến ở hết các giải trẻ, chơi ở V-League 3 năm, chơi cho Hàn Quốc, Nhật Bản một năm nên chắc chắn giá trị hình ảnh, thương hiệu "không phải hạng xoàng".
Công Phượng đến từ Việt Nam, một đất nước có nền bóng đá đang phát triển với lực lượng CĐV vô cùng hùng hậu, sử dụng mạng xã hội phổ biến. Vì vậy, bản thân Công Phượng cũng như các cầu thủ đến từ khu vực Đông Nam Á luôn là "mỏ vàng" về thương mại để các CLB châu Âu khai thác. Với mức phí chuyển nhượng rẻ, lực lượng CĐV hùng hậu, không khó hình dung việc lan tỏa hình ảnh của CLB tới những quốc gia quê hương các cầu thủ này.
Điển hình như việc CLB Incheon United và hợp đồng chiêu mộ Công Phượng. Dù không thu được thành công về chuyên môn nhưng về mặt hình ảnh lại không phải thất vọng. Số lượng CĐV đến sân theo dõi trận ra quân của Incheon lở K-League 2019 là 15.000 người, đã tăng gấp 3 lần so với mùa trước. Trong 5 trận đầu tiên, Incheon thu về tiền bán vé cao gấp 3 mùa trước. Tương tác trên mạng xã hội của CLB cũng tăng cao, danh tiếng được nâng lên.
Điều này cũng sẽ lặp lại với Sint-Truidense khi mà thông tin chuyển nhượng Công Phượng được báo chí Bỉ chú ý nhiều ngày qua.
Việc Công Phượng sang Bỉ cũng giúp Sint-Truidense hướng tới những CĐV Việt Nam tại châu Âu. Hoặc có thể, CLB sẽ bán bản quyền phát sóng một số trận mà cầu thủ Việt góp mặt cho Việt Nam. Tận dụng sức ảnh hưởng của một cầu thủ nổi tiếng chính là làm thương mại.