Thí sinh trượt tốt nghiệp THPT 2013 có thể sẽ đỗ tốt nghiệp năm 2014 mà không cần phải thi. Đó là bất cập trong quy định mới liên quan đến thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT 2014, phụ lục 5 về chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo và công nhận tốt nghiệp vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành đã tạo kẽ hở giúp nhiều thí sinh không thi mà vẫn đỗ tốt nghiệp.
Quy định… buồn cười
Điều 33 Quy chế thi tốt nghiệp THPT, mục công nhận tốt nghiệp đối với giáo dục thường xuyên (GDTX) quy định thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên cho kỳ thi tổ chức trong năm sau đó.
Trong khi đó, theo hướng dẫn chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo và công nhận tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp ở GDTX trong kỳ thi năm 2013 nếu có điểm bảo lưu của cả 4 môn đăng ký thì không phải dự thi. Bộ GD-ĐT cũng nói rõ nếu thí sinh đã đăng ký bảo lưu điểm thi thì không được dự thi các môn này.
Theo phân tích của một chuyên gia, quy định này là một kẽ hở trong thi cử. Ví dụ, một thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2013 vì không đủ 30 điểm/6 môn, tuy nhiên, các môn ngữ văn, toán, hóa học, vật lý của thí sinh này vẫn đạt 5 điểm thì em này đương nhiên đỗ tốt nghiệp trong năm 2014. “Với cách thi cũ, thí sinh sẽ phải thi lại nhưng rõ ràng với cách tính mới, 2 môn bắt buộc và tự chọn đều trên 5 điểm thì thí sinh đương nhiên có được tấm bằng tốt nghiệp mà không phải dự thi. Tôi thấy quy định này không công bằng và có thể gây ra nhiều thắc mắc” - chuyên gia này nói.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội, cho rằng việc đổi từ cách thi cũ sang cách thi mới chắc chắn không tránh khỏi những trục trặc. Tuy nhiên, PGS Cương cũng thừa nhận ông thấy quy định này buồn cười vì thí sinh năm ngoái trượt, năm nay bỗng thành đỗ mà không cần phải vất vả thi cử. “Điều này cho thấy chắc chắn năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ cao hơn năm ngoái nhiều” - PGS Cương dự đoán.
Thiếu công bằng
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ ngày 25-4, các trường THPT sẽ tiến hành thu phiếu đăng ký dự thi môn tự chọn tốt nghiệp của học sinh. Ngày 7-5 là hạn cuối để học sinh đăng ký; sau thời gian này, thí sinh không được đổi môn thi tự chọn. Học sinh có thể lựa chọn 2 môn thi trong số các môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học và ngoại ngữ.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay học sinh phải đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12, không được đăng ký dự thi ở cơ sở giáo dục khác. Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại trường phổ thông. Đối với thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi trong những năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0. Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi do nghỉ quá 45 buổi học trong những năm trước nếu vẫn đủ điều kiện về học lực thì không cần có xác nhận kiểm tra học lực.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp GDTX nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp GDTX. Về quy định này, PGS Văn Như Cương cho rằng đó là một bất công. “Trong khi thí sinh hệ THPT trượt tốt nghiệp phải thi lại cả 4 môn theo tư cách thí sinh tự do thì việc thí sinh GDTX an nhàn tốt nghiệp là không công bằng cho các em” - PGS Văn Như Cương nhận xét.
Không ép học sinh thi môn tự chọn Sở GD-ĐT Bình Dương vừa có công văn hướng dẫn chọn môn thi tự chọn gửi các trường THPT. Theo đó, nhà trường phải tư vấn cho học sinh tự chọn môn thi dựa trên kết quả học tập, khối thi ĐH-CĐ, đặc điểm môn học, lịch thi, chất lượng đội ngũ và các điều kiện khác của nhà trường. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kết hợp với giáo viên bộ môn tư vấn cho học sinh mà mình phụ trách tự chọn môn thi. “Việc đăng ký môn thi tự chọn phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Trong trường hợp ban giám hiệu, giáo viên phụ trách nhận thấy học sinh đăng ký không phù hợp thì cần tổ chức tư vấn thêm cho học sinh nhưng tuyệt đối không được ép buộc học sinh” - ông Phương chỉ đạo. Tại TP HCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương yêu cầu các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của sở, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Các trường phải tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh. Sở GD-ĐT TP HCM cũng yêu cầu các trường THPT thực hiện các giải pháp hiệu quả để tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn ngoại ngữ, cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận. “Các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, bảo đảm sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải” - ông Chương yêu cầu. |