Sau khi 1 tài khoản Facebook đăng tải thông tin phát hiện 153kg thịt lợn cung cấp vào trường phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark (Hưng Yên) thì nhà trường cùng ban phụ huynh đã vào cuộc.
Theo Trí Thức Trẻ, Infonet sáng ngày 15/8 nhân viên nhà bếp phát hiện lô thịt 153kg do Aeon cung cấp cho trường có dấu hiệu không đảm bảo. Ngay lập tức nhà trường đã gọi điện mời Ban phụ huynh vào chứng kiến.
Một trong những phụ huynh được mời lên chứng kiến lô thịt chảy mủ đã đăng tải hình ảnh kèm nội dung: “"Đến bây giờ vẫn thấy buồn nôn khi ấn tay vào miếng thịt, mủ chảy ra rất nhiều, thành vũng ở túi, bốc mùi tanh hôi. Nhà trường, Ban phụ huynh và đại diện đơn vị cung ứng thực phẩm đã cùng lập biên bản sự việc”
Dòng trạng thái chia sẻ của một vị phụ huynh được mời đến làm việc cùng nhà trường. Ảnh internet |
Nhờ có sự giám sát chặt chẽ và kỹ lưỡng, cùng với nguyên tắc làm việc minh bạch, thẳng thắn của Nhà trường, ngày 15/8/2017, bộ phận phụ trách nhận/ kiểm định thực phẩm của Bếp ăn nhà trường đã phát hiện kịp thời lô thịt nạc 153kg do Aeon cung cấp cho Trường Đoàn Thị Điểm Ecopark không đảm bảo chất lượng. Cụ thể, cảm quan khi nhận hàng phát hiện xác suất 01 miếng thịt nạc vai bị nhạt màu. Nhân viên y tế và bếp trưởng quyết định rạch thớ thịt để kiểm tra thì phát hiện ổ mủ bã đậu chảy ra từ trong miếng thịt.
Miếng thịt bị chảy mủ. Ảnh internet |
Nhà trường đã dừng việc chế biến lô thịt đồng thời đưa mẫu đi làm xét nghiệm và yêu cầu phía đại diện cung cấp thực phẩm phối hợp giải quyết.
Đến sáng ngày 29/8, nhà trường đã có buổi làm việc với nhà cung cấp Aeon Long Biên. Qua kết quả kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm được công bố thì các chỉ số về dư lượng kháng sinh và chất tạo nạc của mẫu thịt lợn phát hiện ngày 15/8 đều phù hợp về quy định an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y của pháp luật.
Nhà trường và phụ huynh làm việc với phía đại diện cung cấp thực phẩm. Ảnh internet |
Nói về việc miếng thịt bị chảy mủ bã đậu được phát hiện ngày 15/8, đại diện trường THPT Đoàn Thị Điểm Ecopark cho hay: “Khi tiêm phòng cho lợn sẽ tiêm vào khu vực nạc vai và tùy vào thể trạng của con lợn đó sẽ hình thành 2 loại áp xe là ổ cứng và ổ mủ với những kích thước khác nhau.
Nhìn chung đó là phản ứng của con lợn với vacxin được đưa vào cơ thể. Bộ Y tế cũng cho phép cắt bỏ khu vực bị áp xe còn các phần khác của con lợn vẫn tiêu thụ bình thường. Nói thế có nghĩa là việc có khối áp xe không chứng minh việc con lợn bị bệnh hay thịt không đạt yêu cầu”.
Thu Hằng (tổng hợp)