Để khắc phục, giải quyết dứt điểm tệ nạn xã hội trong học đường cần phải có sự kết hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự tham gia của nhiều lực lượng.
Chúng ta đang sống trong xã hội phát triển, sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Chính vì thế chúng ta đang có điều kiện nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần; tiếp thu những cái hay, cái đẹp của các nền văn hóa khác nhau, các phương tiện thông tin đại chúng được ví như “cánh tay nối dài” thông tin tới thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập đó cũng không thể không có những mặt trái của nó, đặc biệt tệ nạn xã hội đang len lỏi vào trong môi trường học đường, trong thế hệ học sinh.
Vậy tệ nạn xã hội là gì? Tệ nạn xã hội là hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật, gây ra hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống xã hội.. Biểu hiện là hiện cụ thể như: Tệ nạn gian dối thi cử, việc nói tục chửi bậy, bạo lực học đường, sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm trong quan hệ với thầy cô, bạn bè; sử dụng vũ lực, bạo lực học đường; chi tiêu tiền bạc đua đòi, quá khả năng chi trả; truy cập văn hóa phẩm đọc hại, nghiện gem; bài bạc..v..v. Thời gian gần đây tệ nạn học đường đang có xu hướng gia tăng phát triển phức tạp và trở thành một vấn nạn nhức nhối cho nhiều trường học, nhiều gia đình và xã hội. Để khắc phục, giải quyết dứt điểm tệ nạn xã hội trong học đường cần phải có sự kết hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, Đoàn cần tập trung hướng mọi nội dung hoạt động vào việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống hình thành nhân cách chuẩn mực cho học sinh, sinh viên.
Phòng chống các tệ nạn xã hội trong học đường. Ảnh: Internet |
Tổ chức Đoàn vẫn là môi trường sinh hoạt, rèn luyện và tu dưỡng lý tưởng của học sinh, sinh viên. Thời gian tới Đoàn cần chú trọng hơn nữa tới nội dung giáo dục nâng cao đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đi sâu vào các mặt hoạt động, các nhiệm vụ của học sinh, sinh viên qua đó lồng ghép giáo dục, bồi dưỡng những giá trị tốt đẹp của đạo đức truyền thống, bài trừ những quan niệm lệch lạc ra khỏi suy nghĩ của thế hệ trẻ, ra khỏi môi trường học đường. Đoàn cần có kế hoạch, chương trình cụ thể, đưa ra được các nội dung thiết thực hướng vào tìm hiểu, ca ngợi và giữ gìn các giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp, lối sống tình nghĩa để thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, ngoài ra cần thường xuyên nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống, cách hành xử cao đẹp tạo sức lay động lớn trong xã hội.
Hai là, Ngành giáo dục cần tạo bước “đột phá” mạnh mẽ về nội dung, phương pháp giảng dạy, chú trọng đúng mức tới giáo dục đạo đức lối sống, Kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Đối với ngành giáo dục cần nghiên cứu, rà soát và mạnh dạn đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Trong đó, cần ưu tiên và chú trọng đúng mức tới giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sống cho người học ở các cấp, kết hợp tốt việc “dạy người” thông qua “dạy chữ” và “dạy nghề”. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những tấm gương thực tiễn và hành động cụ thể của thầy giáo, cô giáo nhằm lôi cuốn, thuyết phục học sinh, sinh viên noi theo. Đồng thời, ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm, tiêu cực trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên để làm trong lành môi trường giáo dục, thuận lợi cho việc giáo dục, hình thành nhân cách học sinh, sinh viên. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động ngoại khoá ngoài giờ phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học để giúp việc học văn hoá, rèn luyện thể chất và hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên được thuận lợi.
Ba là, Huy động sự hợp tác, phát huy sức mạnh tổng lực của các cấp, các ngành, mọi lực lượng trong xã hội tập trung chăm lo, giáo dục và bồi dưỡng đạo đức cho học sinh, sinh viên.
Đây là hướng đi có hiệu quả để giải quyết vấn đề tệ nạn xã hội trong học đường bởi tệ nạn xã hội trong học đường là vấn đề phức tạp, nan giải do đó cần có sự phối hợp, bắt tay của nhiều cấp, nhiều ngành và toàn xã hội. Với phương châm chung sức đẩy lùi các tệ nạn để kịp thời uốn nắn giáo dục giúp các em hoàn thiện nhân cách cho mọi thế hệ học sinh, sinh viên để mỗi thế hệ học sinh, sinh viên nói không với tệ nạn xã hội, chung tay đẩy lùi tệ nạn xạ hội ra khỏi học đường, xây dựng môi trường học đường lành mạnh.
Chu Quốc Minh - Đại học Nguyễn Huệ