Trao đổi các vấn đề xung quanh kỳ thi chung quốc gia, một số nhà làm giáo dục cho rằng thì kỳ thi chung là không cần thiết với những học sinh không có nguyện vọng vào ĐH, CĐ.
Cần làm cách nào đó để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng với những học sinh không có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ
Trao đổi với PV về kỳ thi quốc gia chung 2015, ThS Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) nêu quan điểm: “Đối với những học sinh không có nguyện vọng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ có điểm trung bình các môn từ 5 điểm trở lên ở tất cả các môn, chúng ta nên cấp chứng chỉ tốt nghiệp để các em vào đời học nghề. Đây có thể coi là giấy thông hành và cũng ghi nhận các em học sinh ở góc độ trung học để các em vào đời học nghề…”
Theo thầy Trung, điều này sẽ giảm và phân luồng đáng kể số học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tránh nhiều lãng phí tiền của nhà nước, sự mệt mỏi, lo lắng của cha mẹ và bản thân học sinh. Trước khi thí điểm điều này, nên lấy ý kiến thăm dò dư luận xã hội từ các tầng lớp học sinh, phụ huynh, nhà quản lý… Nếu phân luồng được học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT, những em này sẽ tự nhủ rằng khi gia đình không quyết tâm vào đại học thì các em không cần thi tốt nghiệp và đi theo hướng học nghề.
Còn PSG Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Tôi không tin một nền giáo dục trung thực, đào tạo ra những công dân đạt chuẩn lại không dám nhìn thẳng vào những yếu kém của mình. Tại sao kết quả kỳ sát hạch kiến thức 12 năm ở bậc học phổ thông đẹp mỹ miều như thế, mà cả nước lại phải trăn trở với việc cải cách giáo dục?”
PGS Cương kiến nghị, cần làm cách nào đó để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng với những học sinh không có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ và nên giao về cho các địa phương tổ chức. Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như những năm gần đây. Bộ chỉ cần đưa ra thi cùng ngày, cùng đề, cùng biểu điểm… để các địa phương triển khai.
PGS.TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc phân luồng học sinh nếu quyết tâm có thể thực hiện được. Để hệ thống giáo dục gọn nhẹ, tiến kịp theo các nước trên thế giới cần phải thực hiện phân luồng theo quy mô đào tạo, theo sự phát triển của nền kinh tế.
Như Đài Loan sau tốt nghiệp THCS thì có tới trên 70% học sinh đi vào trung học dạy nghề, rồi phát triển lên cao đẳng, đại học kỹ thuật, công nghệ. Còn 30% là đi vào THPT và từ đây đi lên đại học và nghiên cứu. Giải pháp phân luồng này đã giúp cho kinh tế Đài Loan tăng trưởng vượt bậc những năm gần đây.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo khí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, với các thí sinh đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp, không có nguyện vọng lấy kết quả thi để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi riêng cho các em do các sở GD-ĐT chủ trì. Ý kiến không thi tốt nghiệp để cấp chứng chỉ cho những học sinh không có nhu cầu vào đại học sẽ nghiên cứu.
Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện đủ để được tuyển vào học được qui định tại đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Hiện nay, những thí sinh thi tại cụm thi địa phương chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, nên có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng cơ hội rất hạn chế, phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH, CĐ. Do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện của gia đình, cũng là một ưu điểm để học sinh ý thức được vào đại học hay đi học nghề.
Ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường. Do đó, với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do địa phương chủ trì vẫn có cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.
Việc tổ chức thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ với 4 cụm thi ở các thành phố như từ năm 2014 về trước vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi. Năm 2015, việc mở rộng thành nhiều cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các thí sinh có thể lựa chọn cụm thi thuận lợi nhất cho mục đích của mình.
Video bạn có thể quan tâm: