Lần đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học được gộp lại trong một kỳ thi "2 chung". Nhiều vấn đề cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm từ kỳ thi này.
Lần đầu tiên sau 13 năm, Bộ GD&ĐT thay đổi cách thức tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng chuyển từ thi ba chung trở thành Kỳ thi THPT Quốc gia với 2 mục đích: lấy kết quả vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Ông Trịnh Ngọc Thạch đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2015 |
Những điểm được từ Kỳ thi THPT Quốc gia
Về bản chất, phương thức thi không thay đổi, vẫn là bài thi từng môn như truyền thống, nhưng trong cách thức ra đề đã tích hợp cả kiến thức cơ bản và kiến thức nâng cao. Điều này giúp tiết kiệm thời gian của thí sinh, từ 4 ngày thi tốt nghiệp và 6 ngày thi đại học, cao đẳng xuống còn tổng cộng 4 ngày thi cho cả 2 mục đích. Việc rút ngắn thời gian thi còn làm giảm áp lực căng thẳng đối với học sinh lớp 12. Trước đây, các em phải tham gia thi trong tháng 6 rồi đến tháng 7.
Bên cạnh đó, việc thí sinh có điểm trước rồi mới đăng ký xét tuyển sau khiến các em có thêm cơ hội đỗ đại học, cao đẳng, tránh tính trạng nhiều em điểm cao mà vẫn trượt như trước đây.
Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT công bố công khai phổ điểm và các số liệu tham khảo về kết quả thi để hỗ trợ thí sinh xét tuyển. Tỷ lệ đỗ THPT là 91.58%, đã phản ánh sát hơn tình hình thực tế.
Kỳ thi THPT Quốc gia đã thực sự thành công?
Đến thời điểm này, chưa có tổng kết nào cho thấy việc tổ chức kỳ thi chung có giúp tiết kiệm chi phí hay không? Vì kỳ thi vẫn diễn ra cả ở cụm đại học và cụm địa phương, công tác xét tuyển khiến việc đi lại của nhiều thí sinh ở tỉnh xa cũng khá vất vả và tốn kém.
Ngoài ra, phổ điểm một số môn chưa chuẩn phần nào cho thấy công tác ra đề những môn này vẫn chưa đạt mục tiêu phân hóa tốt thí sinh. Công tác xét tuyển chưa tính toán hết những vấn đề về kỹ thuật, khiến thí sinh và gia đình còn bối rối, thiếu thông tin, thiếu sự chủ động.
Đến thời điểm này, công tác xét tuyển đại học, cao đẳng vẫn chưa kết thúc, vì thế việc đánh giá toàn diện Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tiến hành sau một thời gian nữa, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm cần phải được rút ra để những kỳ thi sau được tốt hơn.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay trên VTV ngày 12/8, ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có những đánh giá về những điều cần rút kinh nghiệm xung quanh việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1.
Theo ông Thạch: "Hiện tại chúng ta đã đi được nửa chặng đường và còn lại khâu xét tuyển đại học nên chưa có nhiều thông tin đầy đủ để nói về việc rút kinh nghiệm nhưng cũng có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như trong đề thi phải phân hóa làm sao để biết thí sinh tốt nghiệp THPT ngay trong đó và thí sinh nào có điều kiện tuyển sinh đại học để gộp lại cụm cho đỡ phân biệt. Thứ hai là thông tin phải công khai, minh bạch. Xét tuyển đại học nên cho các em đăng kí trực tuyến để các em không phải về trường".
Kỳ thi THPT Quốc gia được xem là một kỳ thi lịch sử, một trận đánh lớn của ngành giáo dục. Sau rất nhiều lo ngại, thậm chí cả ngờ vực, cuối cùng Kỳ thi THPT Quốc gia 2 trong 1 hay còn gọi là kỳ thi 2 chung - là ước mơ ấp ủ lâu nay của Bộ GD&ĐT đã được tổ chức. Tuy nhiên mặt được hay chưa được vẫn đang là câu hỏi được nhiều chuyên gia giáo dục trăn trở, suy ngẫm.
Lê Vy (tổng hợp)