Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đề thi môn ngoại ngữ vẫn sẽ có phần viết và phần trắc nghiệm với yêu cầu tương tự năm trước đối với mỗi phần.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, với định hướng đổi mới tăng cường đánh giá năng lực học sinh, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.
Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao, tạo thuận lợi cho thí sinh khi làm bài.
Tương tự như năm 2015, các câu hỏi ở mức độ cơ bản trong đề thi chiếm khoảng 60%, đảm bảo các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm bài đạt mức điểm đủ để công nhận tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi ở mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để phục vụ mục đích tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đề thi môn ngoại ngữ vẫn sẽ có phần viết và phần trắc nghiệm với yêu cầu tương tự năm trước đối với mỗi phần.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, việc đưa phần thi viết vào đề thi môn ngoại ngữ nhằm từng bước hướng tới đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh trên cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trên thực tế, việc đưa phần viết vào đề thi đã ít nhiều làm công tác chấm thi ngoại ngữ phức tạp thêm. Nhưng đây là việc làm cần thiết để đạt mục tiêu đưa ngoại ngữ thành thế mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam, chủ động chuẩn bị tốt nhất cho các em bước vào cuộc sống trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế.
Trên Vnexpress, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đối với môn Ngoại ngữ, ở vùng khó khăn trong học tập có thể sử dụng môn thi thay thế. Trong khuôn khổ đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 thì Ngoại ngữ sẽ được dạy trong toàn bộ hệ thống. Thí sinh vùng xa, nông thôn cũng được học để đạt trình độ cần thiết. Đó là yêu cầu bức bách vì nước ta đang trong quá trình hội nhập.
Lê Vy (tổng hợp)