Bị Tai nạn giao thông được đưa vào BV Thanh Nhàn cấp cứu trong tình trạng nguy kịch lúc mang thai 5 tháng, chị Quỳnh A. được nuôi dưỡng cùng thai nhi 3 tháng đến khi mổ lấy thai.
Ca mổ đặc biệt
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội cho biết ngày 9/5, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân là thai phụ bị tai nạn giao thông được xe cấp cứu 115 đưa đến bệnh viện trong tình trạng không rõ tên tuổi, nguòi nhà.
Khi vào viện, bệnh nhân trong trạng chấn thương sọ não, có tụ máu dưới màng cứng, glasgow 4 điểm (với những bệnh nhân chấn thương sọ não glasgow xấu nhất là 3 điểm), đồng tử giãn toàn bộ tiên lượng tử vong cao.
Tại đây, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu đặt ven hồi sức, mở khí quản cho bệnh nhân thở máy nhưng bệnh nhân rất nặng.
Các bác sĩ đã hội chẩn và mổ cấp cứu dù chưa tìm được người nhà cho thai phụ. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân tốt hơn và lúc này người nhà bệnh nhân mới biết tin và tìm đến viện. Lúc này bác sĩ mới biết bệnh nhân tên Đặng Quỳnh A. 29 tuổi, Yên Sở, Hà Nội.
Em bé con chị Quỳnh A. chào đời sau hơn 3 tháng nằm trong bụng mẹ hôn mê
Kể về ca bệnh Đặng Quỳnh A. bác sĩ Trương Quý Hoàng tham gia kịp phẫu thuật cho chị Quỳnh A. Với bác sĩ Hoàng đây là một ca mổ đặc biệt bởi vừa phẫu thuật cho mẹ mà lại phải đảm bảo cho an toàn cho con vì thế các bác sĩ đã phải lựa chọn sử dụng các loại thuốc gây mê, thuốc giảm co để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Khi nhập viện, thai nhi mới hơn 5 tháng tuổi, các bác sĩ kíp mổ đặt mục đích là cứu mẹ nhưng bác sĩ Hoàng tâm sự dù trong điều kiện nào kíp phẫu thuật vẫn cố gắng đảm bảo an toàn cho thai nhi . Vì thế khi bệnh nhân được đưa đi chụp chiếu bác sĩ đã chuẩn bị áo chì để che bụng .
Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân vẫn rất nặng nề, phải thở máy, hôn mê, phản xạ hầu như không có, tuy nhiên tình trạng sức khoẻ của thai nhi ổn định. Hàng ngày khoa Sản I vẫn cắt cử bác sĩ, điều dưỡng lên kiểm tra và siêu âm thai nhi…
Các bác sĩ cũng lo ngại các biến chứng sau phẫu thuật của bệnh nhân như biến chứng viêm phổi, loét do tì đè nằm lâu, suy dinh dưỡng, mất máu… Tuy nhiên, sau 3 tháng theo dõi mọi thứ ổn định, thai nhi tăng cân đều, nhịp tim tốt, sản phụ không bị các biến chứng sau phẫu thuật.
Em bé và phép màu
BSCK II, Trần Viết Thắng, trưởng khoa Sản I, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết sau mổ tiên lượng của sản phụ cũng ngặt nghèo, các bác sĩ chỉ mong có thể duy trì để nuôi bào thai đến đủ 38 tuần thì bắt đầu mổ lấy thai chứ không hi vọng nhiều về sự cải thiện sức khoẻ người mẹ do người mẹ vẫn không có phản ứng.
Ngày 22/8, thai nhi đủ 38 tuần các bác sĩ quyết định sẽ mổ lấy thai.
Điều đặc biệt, trước mổ lấy thai bác sĩ đã đứng tại giường và trao đổi với người nhà về kế hoạch mổ lấy thai, lúc đó nhịp tim của người mẹ và thai nhi bỗng nhiên thay đổi, nhịp tim nhanh hơn.
Bác sĩ Trần Viết Thắng kíp trưởng trực tiếp mổ phẫu thuật lấy thai. Một cháu bé nặng 3,2kg hồng hào, khoẻ mạnh như các em bé được sinh ra từ những người mẹ khoẻ mạnh. Bé được gia đình gọi là bé Cốm. Sau sinh bé được da kề da và với mẹ.
Một điều kỳ diệu nữa là khi bác sĩ hỏi em bé nặng bao nhiều kg, người mẹ đã có những phản ứng tích cực nắm được 3 ngón tay ra hiệu. Người nhà thực hiện cấu, bẹo bệnh nhân đã có phản xạ…
Bác sĩ Thắng xúc động tâm sự ông đã mổ rất nhiều ca nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật cho một ca bệnh mà cả mẹ và con đều rất đặc biệt. Khi em bé cất tiếng khóc trào đời cũng là lúc ý thức của người mẹ có những cải thiện đáng ngạc nhiên. Có những cảm xúc trào dâng, cảm thương, khâm phục.
Các bác sĩ đã cùng với mẹ con chị Quỳnh A. hơn 3 tháng qua đều xúc động bởi phép màu khi em bé ra đời. Họ cũng hi vọng nhờ tình mẫu tử thiêng liêng, chị Quỳnh A. sẽ có cải thiện hơn về sức khoẻ.