Theo tin tức từ Lao Động, sau 10 ngày xảy ra vụ cháy, ngày 6/9, Công ty đã viết thư xin lỗi gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, quận Thanh Xuân, phường Hạ Đình, các sở, ban ngành, cơ quan, trường học và nhân dân phường Thanh Xuân Trung, phường Hạ Đình sau sự cố hỏa hoạn.
Cũng theo thông tin tức Tiền Phong, Tổng cục Môi trường cho biết, vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm gồm Bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact và bóng đèn tròn công suất thấp. Cụ thể khoảng 480.000 bóng đèn huỳnh quang, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng. Bóng đèn compact có 1.600.000 sản phẩm, sử dụng 01 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22-30%. Bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram là 2.000.000 sản phẩm). Ngoài ra còn có nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại.
Theo báo cáo ban đầu của Công ty, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với Lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam). Các nhà khoa học của Tổng cục Môi trường ước tính, lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.
Kết quả quan trắc mới nhất được Tổng cục Môi trường công bố cho thấy, chỉ có 01 mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn Việt Nam là 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ).
So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) thì hàm lượng Hg tại vị trí nêu trên vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong các cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.
Sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, xung quanh khu vực mùi nồng nặc, người dân được thông báo đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe, trong khi nhiều gia đình đã tiến hành sơ tán.
Với môi trường làm việc đầy chất độc hại, nhiều người thắc mắc về mức lương của nhân viên của Công ty Rạng Đông. Theo tìm hiểu của PV Đời sống &Pháp luật, Báo cáo thường niên năm 2018 của Công ty Rạng Đông, lấy năm 2015 làm mốc, doanh thu đạt 2.660 tỷ, mục tiêu phấn đấu mỗi năm tăng 8-10%, thì thực tế 2016, Doanh thu đạt 2.940 tỷ (tăng 10,52%); Năm 2017 đạt 3.270 ( tăng 1,.22%); Năm 2018 đạt 3.621 tỷ (tăng 10,73%).
Đến hết năm 2018, tổng tài sản của RAL đạt gần 2.740 tỷ đồng, vốn điều lệ của công ty là 115 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu là 822 tỷ đồng. Số lượng cán bộ, nhân viên, lao động là 2.075 người.
Thu nhập bình quân của người lao động các năm 2015 là 10,5 triệu đồng/ tháng, đến năm 2016 tăng lên 12 triệu đồng/ tháng, 2017 đạt 12,9 triệu đồng/ tháng và năm 2018 là 13,7 triệu đồng/ tháng.
Theo báo cáo của Công ty Rạng Đông, hàng năm công ty đều tổ chức khám sức khỏe định ky cho người lao động 1 lần/ năm. Riêng các vị trí nặng nhọc, độc hại là 2 lần/ năm.