Đã hơn 1 năm nay, bà Lã Thị Mai (dân tộc Tày, trú tại thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, báo chí cũng đã vào cuộc để điều tra về sự tắc trách của chính quyền. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, bao nhiêu công sức, của cải của người dân cứ bị thiệt hại nặng nề theo thời gian.
Bỗng dưng thành “lâm tặc”
Theo hồ sơ, bà Lã Thị Mai đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi về việc cán bộ địa phương "bỗng nhiên" đình chỉ việc chăm sóc và phát triển rừng của gia đình tại thửa đất số 83 (thuộc tiểu khu I, Khe Ma, thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, Lạng Sơn). Gia đình bà Mai có 4 thửa đất số 83, 88, 90 và 986. Trước đó, các thửa đất trên đã được khoanh nuôi, bảo vệ và sử dụng từ khi nhà nước giao sổ xanh. Năm 1996, gia đình bà Mai đã trồng những loại cây như cây trám, bạch đàn... trên các thửa đất đó (Thực tế trên thửa đất số 83 đã có diện tích trồng keo khá lớn). Năm 2006, Nhà nước đã chính thức giao đất cho hộ gia đình bà tại biên bản Giao nhận đất lâm nghiệp ngày 26/9/2006. Kể từ khi được giao đất, gia đình bà Mai đã tiếp tục đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để khoanh nuôi và bảo vệ.
Biên bản đình chỉ của UBND xã Bắc Lãng.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục, gia đình đã sơ xuất chưa kê thửa đất số 83 vào "Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". UBND xã đã có công văn số 68/UBND về việc “Đình chỉ phát và đốt rừng tự nhiên tại thửa đất số 83, tiểu khu I, Khe Ma, thôn Nà Phai”, với lý do: “Ngày 12/6/2014, UBND xã có nhận được đơn đề nghị của tập thể thôn Nà Phai, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn về việc bà Lã Thị Mai đã thuê người từ nơi khác đến khai thác, chặt tre và các loại cây gỗ mọc tự nhiên tại thửa đất số 83, tiểu khu I, tờ bản đồ giao đất lâm nghiệp năm 2007, mục đích là phá hết cây tự nhiên để trồng cây”.
Biên bản bàn giao đất bao gồm thửa đất số 83.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn – GĐ công ty luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Căn cứ theo hồ sơ, gia đình bà Mai đã được giao đất có biên bản và từ đó, gia đình bà Mai sử dụng ổn định, liên tục, không vi phạm các quy định của luật đất đai. Xét theo luật đất đai thì gia đình bà Lã Thị Mai đủ điều kiện để cấp GCNSDĐ. Trong sổ xanh ghi rõ là rừng vầu non, không có rừng tự nhiên thì không thể quy tội bà Mai phá rừng tự nhiên. Đây rõ ràng là nhà nước giao đất một đằng, chính quyền địa phương xử lý một nẻo.
Hàng loạt bất thường trong cách xử lý của chính quyền
Theo hồ sơ, từ khi được nhà nước bàn giao đất từ năm 1993, gia đình bà Lã Thị Mai đã bảo vệ, chăm sóc và sử dụng liên tục, không tranh chấp. Đặc biệt, quá trình này vẫn có sự tương tác, chứng nhận của chính quyền địa phương. Cụ thể, ngày 25/8/2006, bà Mai có viết "Đơn xin giao đất Nông nghiệp" (dùng cho hộ gia đình, cá nhân), với diện tích 281.500 m2 đất rừng, bao gồm 4 thửa, trong đó có thửa đất số 83 để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp và đã được chính quyền địa phương giao đất tại Biên bản giao, nhận đất lâm nghiệp tại thực địa ngày 26/9/2006. UBND xã đã xác nhận thửa đất số 83 là loại đất lâm nghiệp có ranh giới, diện tích đúng như trong bản đồ giao đất lâm nghiệp và bản đồ địa chính. Riêng thửa đất số 83, gia đình bà Mai đã đầu tư nhiều lần và đã nhiều lần khai thác. Trước khi khai thác, gia đình bà Mai đều viết đơn Đăng ký khai thác lâm sản, có Bảng dự kiến sản phẩm khai thác do ông Đàm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã xác nhận và kèm theo Biên lai thu thuế tài nguyên xác nhận bà Mai có nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.
Theo hồ sơ, trong biên bản giao nhận đất không có rừng tự nhiên mà chỉ là rừng vầu non. "Thế nhưng trong khi tôi đang chuẩn bị phát rừng để trồng keo nhằm mục đích trồng rừng và bảo vệ rừng thì bị chính quyền đình chỉ. Việc cán bộ vu cho gia đình tôi phá rừng tự nhiên là hết sức phi lý", bà Mai nói.
Bà Mai đầu tư rất nhiều tiền để ươm cây giống nhưng chính quyền tắc trách dẫn đến thiệt hại nặng nề.
"Tôi rất bức xúc trước sự tắc trách của chính quyền. Tại sao trong khoảng thời gian gần chục năm, cán bộ địa phương, đặc biệt là cán bộ địa chính trực tiếp quản lý đất đai mà không phát hiện lô đất của người dân chưa có sổ đỏ để giúp đỡ người dân. Chúng tôi là dân đen, có hiểu quy định của pháp luật đâu. Nhà nước giao đất thì tôi trồng rừng, có cán bộ nào hướng dẫn tôi phải làm sổ đỏ đâu mà tôi biết. Bao năm qua, chính quyền địa phương vẫn cấp giấy cho tôi khai thác”, bà Mai bức xúc nói.
Như vậy, cách xử lý của địa phương lại phản lại chính văn bản mà chính quyền đã ký trước đó.
Theo gia đình bà Mai, chính quyền chưa có quyết định nào thu hồi sổ xanh. Được biết, Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) đã kết hợp với chính quyền địa phương để làm lại sổ đỏ cho địa phương xã Bắc Lãng. Tuy nhiên, quá trình làm sổ đỏ vẫn chưa thấy thu hồi sổ xanh. Do đó, không thể nói rằng sổ xanh không còn hiệu lực.
Số giống cây con ươm lần 2 lại hỏng hết.
Cũng theo bà Mai, diện tích rừng đã phát rừng mà chính quyền quy cho gia đình bà là vô lý. “Theo đó, việc đo đạc của chính quyền tính hết cả diện tích chỗ phát. Trong khi đó, diện tích đó nằm sang cả những ô khác, trên thực tế, diện tích thửa đất số 83 đã trồng rất nhiều keo. Vì vậy, việc đo đạc của chính quyền địa phương là không chuẩn xác, nhằm vu khống gia đình tôi. Gia đình rất mong cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ vấn đề này”, bà Mai bức xúc nói.
Đã hơn 1 năm sau khi đình chỉ, chính quyền chậm giải quyết đã khiên cho gia đình bà Mai thiệt hại nặng nề.
Trước sự chậm trễ của chính quyền địa phương, ngày 27/11/2014, bà Lã Thị Mai đã gửi đơn khiếu nại về việc "Chậm giải quyết vụ việc liên quan đến thửa đất số 83" đến cơ quan chức năng. Thế nhưng, tính từ ngày cán bộ xã ra công văn đình chỉ, vụ việc đã kéo dài hơn 1 năm nay, nhưng các cấp, nghành liên quan vẫn chưa thật sự ráo riết để giải quyết vụ việc.
"Không biết bao giờ chính quyền địa phương mới giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lại công bằng cho gia đình tôi", bà Mai bức xúc nói.
Người dân sống dở chết dở vì cách xử lý của chính quyền Theo bà Lã Thị Mai, công văn “Đình chỉ việc phát và đốt rừng tự nhiên tại thửa đất số 83, tiểu khu 1, Khe Ma, thôn Nà Phai” đã khiến cho gia đình bà "sống dở chết dở" không thể tiếp tục công tác trồng và chăm sóc rừng. Hơn nữa, trong thời gian chờ các cơ quan chức năng giải quyết, gia đình bà Mai phải chịu tổn thất nặng nề. Năm 2014, gia đình bà Mai đã ươm lần 1 gần 6 vạn cây giống mà không được trồng, khiến cây giống hỏng hết. Tháng 1/2015, gia đình bà Mai tiếp tục ươm 4 vạn cây giống để chờ đợi được trồng. Tuy nhiên, do chính quyền tắc trách, kéo dài thời gian xử lý, nay cỏ mọc cao, muốn trồng phải phát lại hoàn toàn. Bên cạnh đó, chi phí để chuẩn bị rừng trồng và chi phí mở đường cũng hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền vay mượn cứ liên tục "lãi mẹ đẻ lãi con", khiến cho gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. |
PV