Tin mới

Vụ công nhân trồng rừng thành lâm tặc: “Khởi tố như vậy là nặng”

Thứ tư, 15/01/2014, 15:13 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Trả lời về vụ việc “người trồng rừng bỗng dưng thành lâm tặc”, Chánh án Tòa án Bình Liêu cho rằng: “Trên góc độ là một công dân tôi cũng thấy mức án đề nghị truy tố với anh An trong khung hình phạt như vậy là nặng.”

 

 

(Tinmoi.vn) Trả lời về vụ việc “người trồng rừng bỗng dưng thành lâm tặc”, Chánh án Tòa án Bình Liêu cho rằng: “Trên góc độ là một công dân tôi cũng thấy mức án đề nghị truy tố với anh An trong khung hình phạt như vậy là nặng.

Liên quan đến vụ việc anh Hoàng Văn An (công nhân công ty Lâm nghiệp Bình Liêu) tiến hành phát thực bì để trồng rừng nhưng lại bị bắt giam, truy tố tội “Hủy hoại rừng”. Chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với công ty Lâm nghiệp Bình Liêu(LNBL) nơi anh An làm việc để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

“Công nhân lâm trường như đỉa phải vôi”

Tiếp chúng tôi có ông Lê Công Tuyến – Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Lâm ngiệp Bình Liêu và một số công nhân đang trực tiếp chịu ảnh hưởng từ vụ việc.

Tỏ ra khá bức xúc, vừa trao đổi ông Tuyến vừa lấy ra cả chồng tài liệu liên quan để làm dẫn chứng. Ông cho biết: “Anh An đi phát thực bì trên diện tích đã được công ty giao cho theo dự án trồng rừng của công ty thì bị kiểm lâm vào kiểm tra lập biên bản và khởi tố. Đồng thời anh An cũng bị công an bắt giam 4 tháng. Về phần đất anh An tiến hành xử lý thực bì tôi khẳng định anh An cũng như công ty có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh là hợp pháp. Năm 2000 UBND tỉnh giao cho công ty chúng tôi và năm 2011 công ty bàn giao cho anh An (vừa nói ông Tuyến vừa lục đống giấy tờ để lấy hồ sơ ra - PV). Trong hồ sơ gốc thể hiện đó là đất trống, không có rừng. Do từ thời điểm nhận rừng có một số bà con tiến hành phát rẫy nên sau hơn 10 năm thì diện tích đó có một số cây mọc lên, gọi là rừng phục hồi sau nương rẫy không phải rừng tự nhiên, hầu hết là cây không có mục đích, giá trị không cao. Diện tích đất rừng do anh An quản lý vẫn được phép chặt đi để trồng rừng.

Video công nhân trồng rừng bức xúc

 

 

Theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP về phát triển bảo vệ rừng và Quyết định 186 của Bộ Nông nghiệp về quy chế quản lý 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng) thì diện tích rừng anh An tiến hành phủ bì là đất trống không cần phải làm thủ tục gì cả.

Nếu là rừng tự nhiên thì mới phải làm thủ tục cải tạo nhưng đây là đất trống, diện tích đất nằm trong quy hoạch rừng sản xuất.

Theo tôi, việc khởi tố anh An tội phá rừng là chưa đủ căn cứ. Khi anh An bị bắt tôi cũng bất ngờ vì cơ quan công an không gửi bất kỳ thông báo nào cho chúng tôi.

Sau sự việc, tư tưởng của công nhân, nhân viên lâm trường hoang mang như đỉa phải vôi.

Dẫn chúng tôi đến khoảnh rừng đang phát dở, anh Nguyễn Đình Bình (SN1977, công nhân lâm trường) cho biết: “Sau sự việc của anh An, công nhân chúng tôi hết sức hoang mang. Công việc trồng rừng bị gián đoạn. Công nhân của công ty chỉ biết bám vào rừng và trồng rừng để sống, bây giờ bị pháp luật sờ đến như thế anh em công nhân hết sức bức xúc. Chúng tôi lo sợ nếu tôi đi phủ bì như vậy cũng lại bị bỏ tù.

Cùng nỗi lo với anh Bình, chị Vi Thị Phương (50 tuổi) là công nhân có thâm niên lâu nhất công ty chia sẻ: “Anh An là người rất tâm huyết về rừng, sau khi nhận rừng anh bỏ công bỏ sức để trồng rừng nhưng lại bị như vậy. Có lẽ từ nay tôi không dám trồng rừng nữa.

“Khởi tố như vậy là nặng”

Đó là chia sẻ hết sức chân tình của ông Lục Nam Sơn – Chánh án Tòa án huyện Bình Liêu, và cũng là người sẽ trực tiếp xử vụ án của anh An. Tại buổi làm việc, ông Sơn cho biết, hiện giờ vụ án chưa được đưa ra xét xử, vì vậy ông không đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về vụ án cũng như đánh giá việc vụ án này có oan sai hay không. “Tòa án huyện đã nhận được hồ sơ vụ án hơn 2 tháng nay, nhưng đây là vụ án phức tạp vì vậy chúng tôi đã xin ra hạn thêm một tháng nữa, chưa có lịch xét xử cụ thể” – ông Sơn cho biết thêm.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ là một công dân, Chánh án Lục Nam Sơn đã có những băn khoan, trăn trở và chia sẻ thắng thắn về vụ án, ông nhận định rằng việc khởi tố anh An như vậy là nặng.

Tiếp tục tìm hiểu về vụ việc, nhóm PV đến gặp CA huyện Bình Liêu, Thượng tá Vũ Đức Hoan – Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT cho biết: “Vụ án này được Kiểm lâm khởi tố vụ án chuyển về cho cơ quan Công an. Sau đó, có họp 3 nghành: cơ quan điều tra, VKS, Tòa án và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nghành cấp tỉnh. Sau khi cùng thống nhất quan điểm, hành vi anh An là phạm tội cho nên chúng tôi đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Vụ công nhân trồng rừng thành lâm tặc: “Khởi tố như vậy là nặng”
Thượng tá Vũ Đức Hoan – Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT CA.Bình Liêu trả lời phóng viên. 

Tuy nhiên, khi PV hỏi cụ thể về những điểm bất nhất trong hồ sơ như việc CA tỉnh có văn bản trả lời “không đủ căn cứ để khởi tố anh An tội Hủy hoại rừng” hay như việc giá trị thiệt hại về lâm sản trong vụ án này được thẩm định và sửa đổi ít nhất là 2 lần. Cụ thể, biên bản định giá tài sản trong tố tụng hình sự và kết luận định giá tài sản ngày 10/4/2013 xác định giá trị thiệt hại là 76.532.500 đồng. Tuy nhiên, sau khi phát hiện việc áp dụng sai căn cứ pháp luật trong việc định giá, ngày 10/7/2013, hội đồng định giá đã điều chỉnh lại, tổng giá trị lâm sản trong diện tích 2,8ha rừng chỉ còn là 22.316.000 đồng.

Mặt khác, còn những căn cứ pháp lý như diện tích anh An tiến hành thực bì nằm trong dự án quy hoạch Rừng sản xuất, bản thân hồ sơ gốc và hợp đồng bàn giao của công ty LNBL với anh An cũng thể hiện tiểu khu 287 là đất trống… thì ông Hoan tỏ ra lung túng, từ chối trả lời với lý do không trực tiếp điều tra nên không nắm được. Người được giao điều tra vụ án là Thượng tá Phạm Công Lại – nguyên Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT CA.Bình Liêu nay đã chuyển công tác (hiện đang giữ chức vụ Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) “tôi mới lên thay” - Ông Hoan cho biết thêm.

Trong quá trình trao đổi, ông Hoan cũng đã ghi nhận những phản ánh của báo chí đến cơ quan điều tra và sẽ có ý kiến trong cuộc họp giao ban nội chính huyện để cùng xem xét.

Ngoài ra, ông Hoan còn chia sẻ: “Trong quá trình điều tra nhiều vụ án, cơ quan điều tra các cấp, không chỉ tỉnh Quảng Ninh mà trên cả nước, cơ bản trong quá trình điều tra, khởi tố, xét xử đều đúng người đúng tội. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những sơ xuất. Mặc dù CSĐT cũng rất cầu toàn nhưng đôi lúc có những trường hợp, thậm chí đã được hướng dẫn cảnh bảo là sai rồi nhưng khi làm vẫn cứ sai.

Thiết nghĩ, việc những lời nói trên nếu được cơ quan CSĐT biến thành hành động cụ thể thiết thực thì có lẽ sẽ không có những vụ án oan như ông Lê Thanh Chấn ở Bắc Giang gây chấn động dư luận trong thời gian qua.

Trở lại với vụ án anh An, những bằng chứng chứng minh anh An không phạm tội đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, việc anh có bị oan hay không chúng ta phải đợi sự phán xét công minh của Tòa án.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news