Những yếu tố truyền thống, văn hóa cần phải được bảo tồn, nhưng thực tế cho thấy, văn hóa cũng thay đổi và chuyển hóa theo thời gian, hủ tục không còn phù hợp nên được sửa đổi.
Mới đây, Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) đã gửi đến báo Đời sống và Pháp luật bản thông cáo với nội dung kêu gọi các cơ quan chức năng ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh và các lễ hội mang tính dã man tại Việt Nam như đâm trâu, chém lợn...
Theo tổ chức này, những lễ hội kể trên có những hình ảnh phản cảm, gây tác động tiêu cực về nhiều mặt, đặc biệt là tâm lý của những người xem.
Cùng quan điểm, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nhiều chuyên gia xã hội học, văn hóa cũng khẳng định rằng, mặc dù đây là nét văn hóa truyền thống đã có hàng trăm năm tuổi nhưng những hoạt động ở một vài lễ hội đang tỏ ra "lệch hướng" với nhịp điệu phát triển của xã hội văn minh.
|
Trẻ em tranh nhau lấy tiền quệt vào máu con lợn đã bị chém để... lấy may. |
Những nghi lễ... đáng sợ
Hàng năm, cứ vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, hàng ngàn người dân lại tập trung về thôn Ném Thượng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để tham dự lễ hội chém lợn. Trong lễ hội, những con lợn khỏe mạnh được chọn ra làm vật hiến tế. Chúng bị chém ra làm đôi trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em.
Lễ hội này thu hút sự chú ý của hàng ngàn người dân. Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều trẻ em từ các xã xung quanh xô nhau chạy đến quệt máu lợn lên những tờ tiền rồi mang về nhà với niềm tin rằng, điều đó sẽ mang lại may mắn cho cả năm.
Đây được xem là một trong những lễ hội tàn bạo nhất trên cả nước, bị không ít cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước phản đối.
|
Người dân đang hành lễ chuẩn bị chém lợn ở Bắc Ninh. |
Tại vùng đất đỏ của đại ngàn Tây Nguyên, cứ sau mỗi mùa rẫy, bà con dân tộc thiểu số ở các buôn làng lại tổ chức lễ hội thần Ndu và các vị thần khác. Đây là những lễ hội để tạ ơn các vị thần đã phù hộ, độ trì cho bà con dân làng làm ăn được mùa, cây cối tốt tươi, con cháu khoẻ mạnh.
Trong đó, nổi bật nhất là lễ Sa-rơpu (ăn trâu) mà người miền xuôi thường gọi lễ Đâm trâu được tổ chức từ tháng 12 cho đến tháng 3 (Âm lịch).
Tại lễ hội này, một người đàn ông khỏe mạnh được các buôn làng tiến cử sẽ cầm cây lao dài để đâm vào một chú trâu khỏe mạnh được buộc dưới gốc cây nêu trong tiếng reo hò, nhảy múa của người dân. Họ thực hiện công việc này một cách phấn khích. Sau đó, con trâu đã chết được đem xẻ thịt, chia cho các nhà trong buôn để liên hoan.
PV đã rất nhiều lần mục sở thị lễ hội chọi trâu Hải Lựu (tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Tại đây, những con trâu lao vào nhau bằng những cặp sừng sắc nhọn. Nhiều con trâu đã "tử trận" ngay trên bãi. Kể cả trâu thua trận và thắng trận, sau khi đấu xong, các ông chủ dùng nguồn điện giật chết và xẻ thịt đem bán cho khách để lấy may(?!).
Người dân Việt từ trước đến nay đều coi "con trâu là đầu cơ nghiệp", là bạn của con người. Chính vì thế, chứng khiến cảnh họ dùng điện giật rồi xẻ thịt trâu, nhiều người không khỏi rùng mình.
Có thể nói, thực trạng đáng báo động là hiện nay ở nước ta còn nhiều lễ hội khác như đâm trâu ở Thừa Thiên - Huế, chọi trâu Hải Phòng... cũng kết thúc bằng hình ảnh chết chóc.
Mặc dù nhiều chuyên gia, người dân, Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng phản đối, nhưng những lễ hội này vẫn diễn ra trong sự hả hê của người dân bản địa.
Trong thông cáo mà Tổ chức động vật châu Á gửi đến PV, cơ quan này nhấn mạnh, tại nhiều lễ hội, những hình ảnh phản cảm từ đâm, chém động vật đang gây ra không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt.
Những tác động tiêu cực này sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động tới kinh tế xã hội, cụ thể là tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối xử tàn ác đối với động vật. Nó làm trơ lỳ cảm xúc của người xem khi chứng kiến cảnh động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện, ổn định và dễ bị ảnh hưởng.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với những người khác trong cùng cộng đồng.
Cũng theo đại diện của Tổ chức này, ngoài những ảnh hưởng tới tâm lý người chứng kiến, những hành vi tàn ác đối với động vật còn có tác động xấu tới kinh tế xã hội.
Ngày càng có nhiều khách du lịch sau khi nghe hoặc chứng kiến đã không ủng hộ những lễ hội như thế này và thể hiện nhiều cảm xúc tiêu cực thay vì hài lòng với những cảnh đẹp và sự thân thiện của con người Việt Nam.
Trong hai năm nay, Tổ chức động vật châu Á liên tục gửi đi các công văn đến UBND các tỉnh và nhiều cơ quan chức năng với mong mỏi, lễ hội sẽ chấm dứt hoàn toàn các hoạt động mang tính dã man và phản cảm.
Lễ hội cần lược bỏ những hình ảnh phản cảm
Trao đổi với PV về những lễ hội này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, vốn dĩ các lễ hội, tập tục đâm trâu, chém lợn, chọi trâu... nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp hoang sơ, sự mạnh mẽ của con người trong quá trình tác động vào tự nhiên.
Mỗi khi thu hoạch, mùa vụ tốt tươi, họ lại làm lễ để tạ ơn tổ tiên, trời đất. Bởi từ xa xưa, thời mông muội, từ việc nuôi trồng, đánh bắt đến sức khỏe con người... người ta nghĩ rằng, do trời và thần linh phù hộ.
"Vẫn biết là tất cả những yếu tố mang tính chất truyền thống, văn hóa cần phải được bảo tồn, nhưng thực tế cho thấy, văn hóa cũng thay đổi và chuyển hóa theo thời gian, những hủ tục không còn phù hợp nên được sửa đổi.
Người Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo. Đó là truyền thống đẹp, cần được phát huy. Hành động chém, giết lợn trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, các lễ hội đâm trâu, chém lợn... vẫn nên bảo tồn và tổ chức hàng năm để hiểu được truyền thống, lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, trong lễ hội đó cần lược đi những đoạn đâm, chém phản cảm, phù hợp với xã hội hiện đại", PGS.TS Lê Quý Đức bày tỏ.
Theo PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, viện Xã hội học, những lễ hội đâm trâu, chém lợn... đã tạo ra hình ảnh vô cùng đáng sợ, phản cảm. Đây là điều gây tác động tiêu cực đến tâm lý của con người, đặc biệt là giới trẻ và trẻ em, đối tượng đang trong giai đoạn hoàn thiện tâm lý và nhận thức.
Hiện nay, trên thế giới, xu hướng phát triển là giảm thiểu và dần dần loại bỏ những thứ bạo lực. Ở nước ngoài, một hành động đánh đập, bạo hành động vật đã bị coi là vi phạm pháp luật.
"Ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, đối với án tử hình, thay vì dùng súng bắn, dùng dao chém như ngày xưa đã đổi bằng tiêm thuốc độc. Nhiều người đánh giá rằng, đây là việc làm thể hiện sự nhân văn đối với những kẻ đã gây ra lầm lỗi.
Chính vì vậy, không có lý do gì để tiếp tục có những hình ảnh chém, giết động vật ở những lễ hội kia cả. Thậm chí ở những lễ hội chọi trâu, ngay cả con trâu thắng trận họ cũng đem ra xẻ thịt, bán với giá hàng triệu đồng/kg. Hình ảnh đó đã bóp méo đi bản chất tín ngưỡng của lễ hội này.
Tôi cho rằng, vẫn sẽ bảo tồn các lễ hội nhưng nên đưa ra mô hình chỉ mang tính chất tượng trưng chứ không nên chém, đâm động vật thật", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Cách đây không lâu, ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp bày tỏ ý kiến phản đối các lễ hội này. Ông cho rằng, những hình ảnh đâm, chém trong một vài lễ hội truyền thống của người Việt là phản cảm và không phù hợp. Bởi lễ hội phải hướng đến và thể hiện được sự văn hóa, văn minh, chứ mang lợn, trâu ra để đâm chém như lễ hội ở Bắc Ninh, Tây Nguyên... cần xem xét lại. Bởi đó là những hình ảnh bạo lực đáng sợ. Nó không nên diễn ra ở một hoạt động văn hóa như lễ hội truyền thống của người Việt. |
Theo Vương Chân/ Đời Sống & Pháp Luật