Theo Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Lễ hội sẽ vẫn được tổ chức nhưng việc chém lợn đã được bỏ từ 2 năm trước.
Ngày 27/1 Tổ chức Động vật Châu Á đã phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng chấm dứt Lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.
Tổ chức Động vật Châu Á cho rằng đây là lễ hội tàn bạo nhất ở Việt Nam, gây ra không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt. Bao gồm những ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động tới kinh tế xã hội, cụ thể ở đây là tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh - ảnh Internet
“Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với những người khác trong cùng cộng đồng”, Thông cáo báo chí phát đi từ Tổ chức Động vật Châu Á khuyến cáo.
"Đã bỏ từ 2 năm trước"
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, lễ hội tại thôn Ném thượng vẫn được tổ chức đều đặn hàng nằm. Tuy nhiên, từ 2 năm trước, do có nhiều ý kiến trái chiều về việc chém lợn công khai giữa hàng nghìn người dân nên UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã có chỉ đạo không tổ chức chém lợn tại lễ hội này nữa.
“Có thể Tổ chức Động vật Châu Á và một số người không biết. Nhưng từ 2 năm trước, chúng tôi đã chỉ đạo và người dân không còn chém lợn tại lễ hội nữa.
Lễ hội vẫn được tổ chức, lợn cúng tế vẫn được người dân nuôi. Nhưng đến ngày lễ hội, người dân không còn chém lợn, mổ lợn công khai ở sân đình, trước sự chứng kiến của nhiều người nữa. Thay vào đó, một số người sẽ đem lợn ra phía sau đình, nơi kín đáo để thịt lợn giống như cách mổ lợn thông thường” ông Quỳnh cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, lễ hội tại thôn Ném thượng hiện nay diễn ra phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, không gây phản cảm. Người dân cũng không còn lấy tiền quẹt máu lợn để đem về với quan niệm cầu may mắn nữa.
Bộ ủng hộ "bãi bỏ lễ hội chém lợn"
Trả lời về việc này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên cho biết, ông ủng hộ cách làm của Bắc Ninh, dẹp bỏ hành động chém lợn dã man trước hàng nghìn người, trong đó có trẻ nhỏ.
Theo đó, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, không chém giết lợn trong lễ hội ở tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm huyện Tiên Du (Bắc Ninh), trước mặt nhân dân, đặc biệt nơi có nhiều trẻ nhỏ là việc làm văn minh, nhân văn và rất đáng hoan nghênh.
Không riêng gì Bắc Ninh, mà hiện nay ở nhiều nơi trên cả nước vẫn còn tục lệ chém, giết động vật dã man trước hàng nghìn người trong các lễ hội như một tín ngưỡng dùng vật hiến tế để thờ cúng trời đất, tổ tiên, cầu mong mùa màng tốt tươi, nhân dân có cuộc sống ấm no, tươi đẹp.
Thứ trưởng cũng cho biết, ông khuyến khích các nơi khác vẫn còn giữ tục lệ này học tập cách làm rất nhân văn của Bắc Ninh.
"Những tín ngưỡng dân gian, lễ hội chúng ta gìn giữ, nhưng cần thay đổi cho phù hợp với xã hội hiện đại, hướng tới yếu tố nhân văn, tốt đẹp, tránh những tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ" - Thứ trưởng Biên khẳng định.
Lễ hội chém lợn được tổ chức vào ngày mồng 6 tết âm lịch hàng năm tại thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Theo dân gian địa phương, ngày xưa, có một vị tướng cuối đời nhà Lý khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hằng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này.
Vào ngày lễ hội, 2 chú lợn được rước đi vòng quanh làng với các phường trống, kèn, cờ, táng lọng cùng các đội múa sênh tiền, đội tế lễ, đội dâng hương bồi bái viên… Dân làng bày mâm cúng, góp tiền công đức khi đoàn rước lễ đi qua.
Khi lễ rước trở lại sân đình, hai thủ đao sẽ ra tay chém các chú lợn làm đôi để "tế thánh". Các đao phủ này được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi.
Thịt lợn "tế thánh" được chia cho mọi người với mong muốn cả làng được phát tài, phát lộc. Theo quan niệm dân gian, máu lợn sẽ đem lại sự may mắn cho họ cả năm. Vì vậy, tại lễ hội, nhiều người dân mang tiền, dây cột gia súc, nông cụ… ra thấm máu lợn cầu may.
Theo Nhất Nam/Đời sống và Pháp luật