Theo Bộ GD&ĐT, lịch sử là một nội dung học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên nó được tích hợp thành môn Công dân với Tổ quốc chứ môn Lịch sử riêng biệt không còn tồn tại trong hệ thống các môn học bắt buộc.
Bộ GD&ĐT vừa có ý kiến tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến của tổ chức cá nhân về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Điều đáng quan tâm của báo cáo tổng hợp là môn Lịch sử được đề nghị từ các nhà giáo, các chuyên gia Lịch sử phải trở thành môn bắt buộc trong Dự thảo nhưng qua bản tổng kết này vẫn là môn tự chọn.
Trước đó, khi đưa ra dự thảo, nhiều ý kiến phản đối khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT.
Về ý kiến này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết theo dự thảo chương trình tổng thể, ở THPT môn “Công dân với Tổ quốc” là một trong 4 môn học bắt buộc, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh; đáp ứng yêu cầu cơ bản của CT GDPT mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng giá trị công dân (quyền và nghĩa vụ), hội nhập quốc tế; tuân thủ Luật Giáo dục Quốc phòng, An ninh. Như vậy, môn lịch sử được tích hợp thành môn Công dân với Tổ quốc chứ môn Lịch sử riêng biệt không còn tồn tại trong hệ thống các môn học bắt buộc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: “Nội dung giáo dục Lịch sử, Quốc phòng – An ninh là các nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh cấp THPT”.
Ngoài ra, ở cấp THPT học sinh còn được tự chọn học Lịch sử ở môn Khoa học xã hội (là môn học dành cho những học sinh có thiên hướng về các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Công nghệ) hoặc môn Lịch sử và một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về Lịch sử (là môn học chuyên đề về học tập dành cho học sinh có thiên hướng về Khoa học xã hội và nghệ thuật).
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, nội dung này còn được giáo dục tích hợp trong các môn học khác.
Lê Vy (tổng hợp)