(Tinmoi.vn) Ngày 11/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã mở phiên họp mở rộng bất thường của Ban thường vụ, đồng thời ra tuyên bố phản đối hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Theo LĐLSVN, hành động của TQ là sự tiếp nối một chuỗi các hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đã diễn ra trong thời gian dài, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực xâm chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974; sử dụng vũ lực xâm chiếm đảo Gạc Ma và một số bãi đá ngầm tại Quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988; áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam năm 2009; sử dụng tàu hải giám cắt cáp thăm dò địa chấn các tàu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2011 và 2012; công bố mời thầu thăm dò dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam năm 2012; thành lập đơn vị hành chính lãnh thổ với tên gọi là “Chính quyền thành phố Tam Sa” bao gồm Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam năm 2012.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra tuyên bố phản đối hành vi của Trung Quốc. |
Những hành vi nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm:
- Nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế quy định tại Điều 2 Khoản 4 Hiến Chương Liên Hợp Quốc;
- Chủ quyền của Việt Nam theo pháp luật quốc tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định tại các Điều 55, Điều 56 (Khoản 1 và Khoản 3), Điều 57, Điều 58 (Khoản 3), Điều 76, Điều 77 và Điều 81 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982;
- Cam kết chính trị - pháp lý của chính Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN về Biển Đông được ghi nhận tại điểm 4 và điểm 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) năm 2002;
- Những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định: Trung Quốc đã và đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế và các quy định của Công ước Luật biển Quốc tế năm 1982, đơn phương phủ nhận cam kết của chính Trung Quốc được thỏa thuận ghi nhận tại Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) với các nước ASEAN, vi phạm các thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Những hành vi nêu trên của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình và an ninh tại khu vực Biển Đông, mà còn cùng với các yêu sách vô căn cứ về “đường 9 đoạn” và những hành vi xâm chiếm ở Biển Đông của Trung Quốc đã và đang gây nguy hại tới an ninh, an toàn hàng hải của cộng đồng quốc tế ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương.
Thay mặt giới luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tuyên bố:
- Cực lực phản đối Chính phủ Trung Quốc về hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
- Yêu cầu Chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam tại các Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chấm dứt các hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; chấm dứt hoạt động và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, rút hết các tàu công vụ và quân sự đang hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và không lặp lại hành động tương tự trong tương lai.
Liên đoàn luật sư Việt Nam và giới luật sư Việt Nam sẵn sàng đóng góp với Chính phủ về những cơ sở pháp lý và trong các hành động pháp lý để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam kêu gọi toàn thể giới luật sư quốc tế, giới học giả và nghiên cứu quốc tế về Biển Đông lên án hành vi vi phạm của Chính phủ Trung Quốc; kêu gọi nhân dân Trung Quốc, giới luật sư Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý quốc tế trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế, giữ gìn hòa bình ổn định và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông và Châu Á- Thái Bình Dương.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/5, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, tại Naypyitaw, Myanmar diễn ra phiên họp toàn thể. Tại phiên họp này, nguyên thủ các quốc gia thành viên – cũng là trưởng đoàn đại biểu của nước đó, trình bày phát biểu của mình.
Trong bài phát biểu bày tỏ quan điểm của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành phân nửa thời gian nêu vấn đề Biển Đông, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Bài phát biểu đã nhận được sự hưởng ứng của Đại biểu các nước tham dự.
Thuận Phong