Trong số 268 trường hợp, có 160 người từ nước ngoài; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này, đã 7 ngày (từ 6h sáng 16/4 đến 6h sáng 23/4) Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 68.081, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 369; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.600; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 49.112.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hiện tại còn 45 bệnh nhân đang được điều trị tại 08 cơ sở y tế, trong đó: 39 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương; 4 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh; 2 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện tuyến huyện.
Đánh giá về những tín hiệu tích cực trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tê dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng: Trong 7 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc mới, đã khống chế được các ổ dịch. Tình hình các ca bệnh nhập cảnh hoặc lây lan đều đã được chống chế nhưng tình hình dịch nói chung vẫn còn phức tạp.
Trên thế giới vẫn có nhiều người mắc bệnh, người chết vì COVID-19, nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam là vẫn còn, kể cả các trường hợp qua đường mòn lối mở...
Người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đó là: đeo khẩu trang; tránh giao tiếp quá gần; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế.
Trước đó, chiều ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng ghi nhận đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại va chạm trong công tác phòng chống dịch bệnh của TP Hà Nội.
Đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng của Ban Chỉ đạo Trung ương đã đề xuất, Thủ tướng nêu rõ: "Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số quận, huyện ở Hà Nội là có nguy cơ cao. Như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi nếu có ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày.
Có một số huyện của Hà Nội là nguy cơ cao, cần áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16 còn các nơi khác của Hà Nội là có nguy cơ".
Như vậy, từ 0h ngày 23/4, hàng ăn, trung tâm thương mại tại Hà Nội được mở cửa trở lại nhưng phải có biện pháp phòng, chống COVID-19, riêng trà đá, trà chanh vỉa hè vẫn chưa được hoạt động.
Với những hoạt động như quán bar, nhà hàng, trò chơi điện tử… TP cũng cấm mở cửa. Tất cả các hoạt động thể thao, lễ hội, sinh hoạt tôn giáo đông người, TP vẫn chưa cho phép hoạt động, trước mắt là đến ngày 30/4.
Khuyến cáo người dân không có việc cần thiết thì chưa ra đường. Người dân đi ra đường cũng phải giữ khoảng cách.