Mới đây, GS David Ropeik, nguyên giáo sư ngành Rủi ro truyền thông của đại học Havard đã có những chia sẻ bất ngờ trên kênh truyền hình ABC News về hậu quả của việc lo sợ quá mức với dịch Covid-19.
Theo đó, ông cho rằng khi xuất hiện một rủi ro lớn không mang tính chắc chắn, con người thường khó phân biệt để bảo vệ bản thân, khiến chúng ta cảm thấy bất lực, như thể không kiểm soát được nó. Lần lượt các sự việc xảy ra như hủy các chuyến bay, nguồn cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm khan hiếm hay thị trường chứng khoán biến động mạnh...
Từ suy nghĩ dẫn đến hành vi, con người bắt đầu làm bất cứ điều gì mang lại cảm giác làm chủ được tình hình, như mua thật nhiều nước đóng chai và giấy vệ sinh tại siêu thị… nhưng đó chỉ là một phần của sự hoảng loạn hơn là một biện pháp mang tính thực tiễn.
Trên thực tế, vị giáo sư này chia sẻ có một số lý do về mặt tâm lý khiến dịch Covid-19 hiện nay đang gây ra nỗi sợ hãi nhiều hơn cả cúm mùa, dịch bệnh khiến hàng nghìn người Mỹ tử vong mỗi năm.
Nhưng nỗi sợ về những gì mình chưa biết mới khiến mọi người trở nên lo lắng. Trạng thái này chỉ làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm. Khi bạn gieo rắc nỗi sợ hãi cho bạn bè của mình, nó cũng giống như việc lan truyền mầm bệnh cho họ.
Chính vì vậy, thay vì hoảng loạn GS David Ropeik khuyên mỗi người nên dành thời gian nghiên cứu cách phòng ngừa dịch bệnh, và những điều cần lưu ý khác trên trang web của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) hoặc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
"Giống như một nụ cười hoặc một cái ngáp, nỗi sợ hãi cũng có khả năng truyền nhiễm, và sự tỉnh táo là điều cần thiết và an toàn nhất trong khoảng thời gian này", vị GS này nhấn mạnh.
Hiện tại, đã có hơn 157 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới xuất hiện Covid-19, đại dịch khiến hơn 169.000 người nhiễm bệnh, gần 6.500 người chết.