Khi tin cảnh báo tại Hà Nội có 2 người bị nhiễm vi rút ebola lan truyền trên mạng, nhiều người đã hoang mang, lo sợ, còn các cơ quan chức năng cũng “thêm việc” khi đang lo phòng chống dịch lại lo trấn an dư luận bởi tin đồn không chính xác. Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã phải tổ chức họp báo để phủ nhận tin đồn, đồng thời có văn bản đề nghị cơ quan công an vào cuộc xác minh.
Khi bị triệu tập đến làm việc, cả 4 người “vui miệng” này đều khai việc tung tin đồn chỉ nhằm cảnh báo mọi người cảnh giác hơn với dịch bệnh!
Cũng lan truyền trên Facebook trước đây không lâu, nhiều nữ sinh và phụ huynh đã không khỏi lo lắng trước thông tin một số thiếu nữ bị lừa đảo, cướp giật, rồi bị rạch đùi… khi tham gia giao thông ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội.
Một đồn mười, mười đồn trăm, các thông tin lá cải dạng này được chia sẻ nhanh chóng trên mạng khiến nhiều người không biết đâu là thật, đâu là nhảm, thậm chí sau khi nghe cơ quan chức năng khẳng định là tin đồn bịa đặt nhưng không ít người vẫn cảm thấy hoang mang.
Đáng nói, nhiều người, nhất là giới trẻ hồn nhiên khi “sáng tác thông tin” mà không nghĩ đến hậu quả, rồi giải thích chỉ nhằm mục đích câu like, thu hút sự chú ý của nhiều người vào thông tin mình đưa ra... cho vui.
Trong khi đó, theo qui định của pháp luật, việc tung tin đồn sai sự thật gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người khác có thể cấu thành trách nhiệm hình sự. Theo điều 226 Bộ luật hình sự, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật.
Nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 88 và điều 253; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Các hành vi này có thể chịu hình phạt tù cao nhất đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Ở mức nhẹ hơn, người tung tin đồn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm các quyền dân sự. Điều 604 Bộ luật dân sự người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín… của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Như vậy, nếu tung tin đồn xâm phạm đến danh dự, uy tín, sức khỏe… của chủ thể khác thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định. Ngoài ra, người tung tin đồn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hành chính điều chỉnh, với mức xử lý vi phạm hành chính từ 1-2 triệu đồng.
Để tránh bị những chế tài nghiêm khắc này, rõ ràng những người sử dụng mạng xã hội nói chung và các bạn trẻ nói riêng cần rèn luyện lối sống nghiêm túc, ngay cả trong thế giới ảo.
Việc loan truyền tin trái pháp luật nếu nhằm chống phá nhà nước sẽ bị xử lý theo điều 88, ngay cả việc đưa hình ảnh nhạy cảm, hở hang, trái thuần phong mỹ tục của bản thân chứ không phải của người khác lên trang cá nhân cũng có thể bị xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo điều 253 bộ luật hình sự.
Theo Phương Thảo/Báo Pháp Luật & Xã Hội