Không thu tiền học phí, người đi trước truyền đạt cho bạn theo sau, nhịp nhàng, thoải mái, vừa học vừa thư giãn là tiêu chí của lớp học võ thuật hiện đại do một thầy giáo sinh năm 1991 có tên Trịnh Văn Đức, quê ở Thanh Hóa - sinh viên năm cuối ngành Công nghệ phần mềm, trường Đại học FPT (Hà Nội) tổ chức.
Lớp học được thành lập tháng 9 năm 2012. Đến nay, đã thành thói quen, đều đặn vào chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần, nhóm bạn sinh viên gần 200 người lại tề tựu đông đủ ở công viên Thống Nhất. Đúng 18 giờ, bất chấp trời mưa lất phất, bốn hàng ngang đã được xếp ngay ngắn ở một khoảng trống giữa công viên.
Thầy Đức dáng người rắn chắc trong bộ quân phục khỏe mạnh chững chạc bước vào. Hiệu lệnh từ Đức vừa dứt khoát cũng là lúc năm bạn quản lý gồm bốn nam một nữ nhanh chóng hướng dẫn cả lớp khởi động.
Từng tiếng hô “hây, hây” vang lên rõng rạc, động tác rõ ràng, đều tăm tắp thu hút nhiều người xung quanh chú ý. Khởi động xong xuôi, Đức giới thiệu bài học mới - “tự vệ bằng dây lưng” rồi cả lớp phân ra từng nhóm nhỏ tập luyện với nhau.
“Đam mê võ thuật là lý do duy nhất để mình mở lớp học này” - Đức chia sẻ. Học võ từ năm lớp 8, lên đại học, Đức tiếp tục chắt bóp chi tiêu, dành dụm mỗi tháng 200 ngàn đồng để đi học.
Thấy nhiều bạn sinh viên chia sẻ muốn biết võ bảo vệ bản thân nhưng không có điều kiện đi học, Đức nảy sinh ý tưởng truyền đạt lại kiến thức mình tích lũy trong thời gian qua.
Thế là lớp học mang tên “võ thuật hiện đại” ra đời. Đối tượng Đức nhận giảng dạy là các bạn học sinh, sinh viên, chỉ cần mang chứng minh thư đến đăng ký là có thể vào lớp học.
“Võ thuật hiện đại là một trường phái riêng tự mình soạn ra trên cơ sở các môn võ thuật học được như Thiếu lâm, Đặc công… Kỹ thuật đơn giản, chủ yếu là tự vệ bằng cách đánh vào các hệ thần kinh, điểm huyệt. Đặc biệt, môn võ thuật này còn giúp học viên có được kỹ năng phòng chống, đối phó với các đối tượng móc túi, cướp giật.” – Đức giới thiệu.
Thời gian đầu mở lớp, Đức gặp rất nhiều khó khăn nhưng “Khó nhất là khi gặp phải những sinh viên cứng đầu, khó bảo. Lúc đó, không chỉ dạy võ mà còn phải rèn luyện cho các bạn tính cần cù, bền bỉ”- Đức cười.
Dẫu vậy, sắp xếp thời gian cũng là một trải nghiệm cực kỳ nan giải. Ban ngày đi học, buổi tối tranh thủ đến lớp dạy, ban đêm Đức lại đi làm thêm kiếm tiền tự lập.
“Có những hôm mệt lả, chưa kịp ăn tối thì đã phải đến lớp rồi lại đi dạy luôn nhưng mọi thứ dường như tan biến khi thấy các bạn sinh viên ngày càng đăng ký học nhiều hơn” – Đức tâm sự.
Đi học võ tự vệ không mất tiền, thầy giáo lại nhiệt huyết chẳng mấy chốc tin lành lan tỏa đến hội sinh viên các trường đại học.
Người này chỉ người kia, bạn bè rỉ tai nhau. Sau hai năm, từ số lượng ban đầu 10 học viên đến nay lớp học tăng lên gần 400 người.
Vì quá đông nên không tiện quản lý, Đức chia lớp ra thành hai cơ sở: một nửa học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội học vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy; số còn lại học ở công viên Thống Nhất vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Đứng đầu mỗi lớp, ngoài thầy Đức còn có các quản lý là những người đạt trình 8 trở của môn trở lên phụ đạo cho các học viên.
Tham gia lớp học hơn một tháng, Lê Phương Thảo (sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Y tế cộng đồng) cho biết: “Học môn võ thuật hiện đại này không vất vả và căng thẳng như những môn phái khác em đã từng học. Nó hiện đại, đơn giản như tập một môn thể dục lại rèn cho mình khả năng tự vệ khi gặp nguy hiểm.
Ngoài ra, lớp học cho em nhiều kiến thức bổ ích, thỉnh thoảng, thầy Đức lại tổ chức cho cả lớp đi du lịch, chúng em được giao lưu, chia sẻ và học hỏi kỹ năng với nhau”.
“Dạy cho các bạn sinh viên cũng là phương pháp để mình tự rèn luyện vì mỗi lần hướng dẫn các bạn học là một lần mình tự ôn lại kiến thức. Khi các bạn làm sai, mình rút kinh nghiệm cho bản thân. Tới đây, mình dự định mở mỗi trường đại học một lớp do chính các bạn sinh viên ở trường đó được mình đào tạo để đứng đầu hướng dẫn.” - Đức cho hay.
Xem thêm video đang được theo dõi nhiều trên tinmoi.vn: Xúc động lễ rửa chân cho mẹ của học sinh