Bộ Công an hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống Bạo lực gia đình để thay thế cho Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Dự thảo lần này gồm 4 chương, 72 điều, trong đó nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý để lấy ý kiến đóng góp.
Liên quan đến những vi phạm về Chứng minh nhân dân, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về nhiều trường hợp bị xử phạt.
Trong đó, phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu hông xuất trình Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu của người có thẩm quyền. Phạt từ 1 đến 2 triệu đồng với hành vi tẩy xóa, sửa chữa Chứng minh nhân dân. Làm giả Chứng minh nhân dân, sử dụng Chứng minh nhân dân giả bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng. Hành vi thế chấp Chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Như vậy, Nghị định 167/2013/NĐ-CP mới chỉ xử phạt hành vi thế chấp Chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. Trong khi đó, Chứng minh nhân dân là loại giấy tờ tùy thân quan trọng của mỗi công dân và không phải là một loại tài sản để có thể sử dụng trong các giao dịch dân sự liên quan đến cầm cố, thế chấp... Khoản 2 Điều 7 Nghị định 05/1999/NĐ-CP cũng quy định: “Nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp…Chứng minh nhân dân”.
Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 167, Bộ Công an bổ sung nhiều quy định xử phạt liên quan đến các vi phạm về Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân. Trong đó đáng chú ý là quy định xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng với hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
Việc đề xuất một mức phạt rất cao (đến 6 triệu đồng) đối với người cầm cố và nhận cầm cố được cho là cần thiết và phù hợp để xử lý hành vi vi phạm này.
Ngoài ra, dự thảo cũng tăng mạnh mức xử phạt đối với người sử dụng Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân giả lên từ 4 đến 6 triệu đồng (trước chỉ từ 2 đến 4 triệu đồng).
Không xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân khi có yêu cầu lên mức từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng (thay vì phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng như trước đây).