Thông thường, đầu tháng 9 các tân sinh viên mới bắt đầu rục tịch tìm thuê nhà trọ để chuẩn bị cho năm học mới. Thế nhưng, mới đàu tháng 8, nhiều sinh viên cùng gia đình đã cuống cuồng tìm nhà trọ.
Từ lúc biết con mình chắc chắn đỗ vào Đại học, bác Hoàng Thị Ngân (Hải Dương) cứ đứng ngồi không yên. Hết gọi điện cho anh em sống trên Hà Nội, bác lại gọi điện cho con mình đang làm trên đó chỉ để lo… chỗ ăn, ở cho cô con út sắp sửa lên nhập học.
“Tôi đặt phòng trọ sớm không mong là thuê được rẻ hơn mà chủ yếu là để tìm được cái phòng tươm tất cho con và để giữ được chỗ. Mấy đứa cháu học trên Hà Nội nó cảnh báo, nếu không tìm nhà trước thì giáp ngày nhập học sẽ rất khó để thuê được phòng" – Bác Thanh cho hay.
Giống như bao nhiêu sinh viên đỗ đại học khác, Nguyễn Thùy Dương (Hưng Yên) vui mừng khi đỗ vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Dù chưa có giấy báo nhập học nhưng dựa trên mức điểm chuẩn công bố của trường cùng mức điểm mình đạt được, gia đình Dương đã tổ chức ăn mừng linh đình. Niềm vui chưa đến độ thì cả nhà lại lo lắng về việc tìm nhà trọ cho Dương.
Năm trước anh trai Dương đỗ đại học, vì nhận được giấy báo muộn nên lúc nhập học gia đình mới tìm nhà trọ. Thời điểm đó, hầu hết các khu trọ gần trường đều hết phòng hoặc nếu còn phòng thì cũng toàn phòng xấu, nhỏ hẹp mà giá cả đắt đỏ nên anh trai Dương đã phải ra ở một khu rất xa trường. Việc ăn ở, đi lại vô cùng bất tiện. Rút kinh nghiệm, năm nay anh trai Dương quyết thuê phòng sớm hơn để việc nhập học của em gái “thuận tiện” mọi bề.
Còn với Trần Tâm, khi vừa biết điểm chuẩn trường Học viện tài chính và biết mình đỗ vào ngành kế toán. Vì có người quen sống trên Hà Nội, lại gần địa điểm học nên Tâm không quá lo lắng về vấn đề ăn ở trên này. Nhưng để chắc ăn, bố mẹ Tâm vẫn lặn lội từ quê, mang gà, vịt làm quà cho gia đình người quen để xí trước chỗ ở. Bởi nghe nói trước đây có những người dặn trước rồi nhưng lên muộn nên gia đình họ cho thuê phòng mất.
Kí túc xá là một trong những lựa chọn an toàn cho các tân sinh viên bởi giá rẻ và thuận tiện trong việc đi lại. Tuy nhiên, số lượng được vào kí túc xá của mỗi trường không nhiều và đều phải nằm trong diện được ở như là con thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Hoàng Thu Ngân là một trong những sinh viên thuộc diện được ở kí túc xá của trường Học viện Ngân hàng. Tuy nhiên, khi nghe nói sống ở trong kí túc xá rẻ nhưng điều kiện phức tạp, không được nấu ăn và an ninh không đảm bảo, thường xuyên mất trộm nên em đã xin phép gia đình ra ngoài thuê trọ. Ngân chia sẻ: “Em sẽ cố gắng sớm ổn định việc học tập và kiếm một việc làm thêm để đỡ tiền ăn ở bố mẹ phải lo ở nhà”.
Dù lên thuê nhà trước cả tháng nhưng giá phòng trọ thời điểm này không có nhiều biến chuyển. Ở khu vực trường Đại học Thương mại, phòng trọ xây theo kiểu nhà ở, rộng 15 đến 17 mét vuông, nhà vệ sinh khép kín giá dao động từ 2 đến 2.5 triệu đồng/ tháng, Nước 40.000 đồng/ khối và 4.000 đồng/1 số điện. Với các phòng trọ ở tập thể theo dãy, giá phòng dao động từ 1.2 đến 1.7 triệu đồng/ tháng, điện nước tính riêng.
Ngoài ra, ở các khu vực khác như Chùa Bộc, chùa Láng, Cổ Nhuế… giá phòng chênh lệch không nhiều. Đắt hay rẻ chủ yếu phụ thuộc vào việc phòng đẹp hay xấu, gần hay xa địa điểm học.
Một chủ nhà trọ khu vực Cầu Giấy cho biết: "Năm nay nhiều phụ huynh đưa con lên tìm nhà trọ sớm hoặc nhờ những sinh viên hỏi giúp khu trọ đang ở để thuê nên tôi cũng dọn dẹp sớm các phòng thừa để cho thuê lại. Giá thành cũng như mọi năm, tăng không đáng kể, có chăng chỉ là tăng tiền điện, nước".
Giai đoạn nhập học, sinh viên thường chấp nhận thuê trọ dù giá có đắt so với bình thường. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời của một số sinh viên trước thềm năm học mới. Minh Thu (Hà Nam): "Mới đầu cần ổn định việc học tập nên em ở một vài tháng dù giá phòng trọ có đắt. Sau khi học hành đã ổn, em sẽ kiếm một phòng khác ổn hơn, giá thành hợp lí hơn".
Theo Người Đưa Tin