Thi thể cô gái bị bầy ốc bâu kín đen, trong gùi là xác con rắn hổ mang lớn với cái đầu be bét. Người ta chôn con rắn cạnh mộ người phụ nữ trẻ xấu số...
Cô gái điên trên dãy trường sơn
Bị bệnh động kinh nặng, tâm thần, Hồ Thị Vân (23 tuổi, thôn Hương Sơn, huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế) không được tỉnh táo như người bình thường. Buổi chiều nọ, Vân vào rừng xuống suối bắt ốc thì nhìn thấy một con rắn hổ mang lớn. Nhớ lại người dân trong thôn mỗi khi bắt được rắn đem bán là có tiền, Vân cũng thò tay chụp đuôi con rắn, hòng bắt. Con rắn dữ quay đầu mổ vào cánh tay Vân. Quyết không thả đuôi rắn, cô gái chụp cục đá nện liên tiếp khiến đầu con rắn nát bét, cuộn con rắn cho vào gùi, đi về nhà. Trên đường đi, gặp một người phụ nữ hàng xóm, cô gái hí hửng khoe “chiến tích”. Vừa lúc đó, Vân lảo đảo, tím tái và ngã vật xuống đất vì nọc độc của rắn đã phát tán khắp cơ thể. Người phụ nữ kia hớt hải chạy về thôn báo tin dữ. Lúc mọi người chạy đến, họ sững sờ trước cảnh tượng kinh hoàng: Thi thể cô gái bị bầy ốc bâu kín đen, trong gùi là xác con rắn hổ mang lớn với cái đầu be bét. Người ta chôn con rắn cạnh mộ người phụ nữ trẻ xấu số.
Mộ Vân và mộ con rắn được chôn cạnh nhau. (Ảnh minh họa) |
Quá khứ bất hạnh của cô gái tâm thần
Năm Hồ Thị Vân 19 tuổi, người dân xã Hương Sơn xôn xao phẫn nộ và thấy tội nghiệp cho cô gái khiếm khuyết về tâm thần, mà còn bị kẻ vô lương tâm nào đó cưỡng hiếp. Cô gái mang thai, sinh ra đứa con trai, rồi làm mẹ đơn thân trong trạng thái tâm thần tỉnh ít mê nhiều. Gia cảnh của vợ chồng bà Hồ Thị Năm (cha mẹ Vân) vốn nghèo khó, càng túng quẫn hơn khi phải “gánh” thêm một phận người “lênh đênh bèo bọt”. Suốt ngày quần quật trên nương rẫy, kiếm hột lúa củ khoai, nên việc trông coi đứa bé được giao cho người mẹ tâm thần, dù biết điều đó là nguy hiểm.
Chị A Chước Đen (tức Đinh Thị Hải Đăng, quê ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện ở số 9, đường Lý Thường Kiệt, TP.Đà Nẵng), người “có duyên” với chị Vân và nhiều lần giúp đỡ cô gái này nhớ lại: “Tôi biết Vân bắt đầu từ lần về Nam Đông thuê người xây mộ cho cha mẹ. Vân cũng tham gia. Chiều hôm ấy, trong lúc đang làm, Vân bỗng lên cơn động kinh, lăn xuống triền dốc. Tôi không thể nào quên được cảnh tượng ngày hôm đó. Suối nước róc rách buồn bã. Lá rừng xào xạc gợi lên nỗi hoang vu. Cô gái nằm bất động giữa khung cảnh thảm buồn, cứ y như xác chết. Cha mẹ Vân đã quá quen với cảnh con gái lên cơn như vậy, nên xem như một việc bình thường. Nhưng tôi lại thấy trong lòng dâng lên nỗi thương cảm cô gái tội nghiệp”.
Cứ mỗi lần về thăm mộ tổ tiên, nỗi thương cảm đó lại “dẫn dắt” chị A Chước Đen băng qua những lối đi ngoằn ngoèo để đến ngôi chòi trên phần rẫy của gia đình Vân. “Lần đó, vừa đến trước căn chòi trống hoang, đập vào mắt tôi là hình ảnh Vân ngồi với vẻ mặt ngây ngô, cạnh một đống trái bắp (ngô) lớn. Một bàn chân trẻ con thò ra từ dưới đống ngô, ra sức cựa quậy. Tôi phát hoảng bới đống ngô, mới thấy đứa bé. Có lẽ Vân đã vùi con trong lúc lên cơn tâm thần. Bồng đứa bé lên, tôi không sao cầm được nước mắt vì quá thương cháu bé. Tôi sợ có ngày đứa trẻ vô tội sẽ gặp nạn vì hành động vô ý thức của người mẹ tâm thần”, chị kể lại.
Nỗi lo sợ của người phụ nữ nhân hậu ấy không phải là không có cơ sở. Nhiều lần bồng con vào rừng chơi, Vân bỏ quên con trong rừng, trở về một mình; hay khi cho đứa bé bú, bị con cắn đầu vú đau, Vân điên tiết bóp cổ con. May mà có ông bà ngoại cháu bé hay những người hàng xóm láng giềng trông thấy, cứu giúp.
Ốc bâu đầy thi thể người bị rắn cắn
Nhưng không phải lúc nào đứa bé và người mẹ tâm thần cũng gặp may mắn, có người bên cạnh trông coi giúp đỡ. Miếng cơm manh áo buộc cha mẹ Vân thường xuyên vắng nhà, phó mặc con cháu vào sự may rủi. “Một lần, tôi đang ở Đà Nẵng, chợt thấy trong lòng như có lửa đốt. Tôi liền nghĩ đến mẹ con Vân, vội vã bắt xe về Nam Đông, đến thẳng chòi rẫy nhà Vân. Bố Vân nói: “Con mẹ bị bỏng rồi. Nó ngồi gần bếp lửa nướng bắp ăn, lên cơn động kinh ngã xuống, tự thò chân vào lửa. Tỉnh dậy thì chân đã chín””. Vậy mà Vân vẫn “được” để ở nhà vì không có tiền đến bệnh viện.
Lần ấy chị A Chước Đen hối hả đưa cô gái tâm thần đến bệnh viện Nam Đông, điều trị ở đó hơn 10 ngày nhưng chẳng ăn thua. Do vết bỏng nặng, có hiện tượng hoại tử nên bệnh viện huyện chuyển Vân về Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục điều trị. Đứa bé con của bệnh nhân lúc này 11 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 6,8 kg được bà ngoại “gùi” về Huế theo mẹ. Chẳng thân thích ruột rà, nhưng vì lòng trắc ẩn, chị A Chước Đen không nỡ “bỏ”, cứ chạy lui chạy tới giữa Đà Nẵng với Huế để cùng gia đình Vân lo cho số phận người mẹ và đứa trẻ kém may mắn. Có những lúc, quá túng quẫn về tinh thần và kinh tế, sợ không thể nào lo nổi cho cả đứa con tâm thần và đứa cháu bệnh tật èo uột, cha mẹ Vân đã nghĩ đến chuyện cho con trai của Vân vào ở trong một Trung tâm bảo trợ trẻ em.
Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng cuối cùng, cha mẹ Vân không thể nào rời xa đứa cháu ngoại tội nghiệp. Khi vết thương của con lành hẳn, cả gia đình lại “rồng rắn” trở về với ngôi nhà cũ kỹ, trống hoang của mình ở xã Hương Sơn. Cha mẹ lại hàng ngày lên nương lên rẫy, để cô gái tâm thần ở nhà “chăm” con. Lại tiếp tục những lần người mẹ “ngơ ngác” bỏ quên con đâu đó trong rừng khiến người nhà phải te tái chạy tìm. Hay đang cõng con đi chơi, Vân lên cơn động kinh ngã ngửa ra đất, đè cả lên mình con. Nhưng “trời” thương, nên không có chuyện gì lớn xảy ra đối với hai số phận đáng thương tội nghiệp.
Cho đến buổi chiều định mệnh, Vân vào rừng xuống suối bắt ốc thì nhìn thấy một con rắn hổ mang lớn. Nhớ lại người dân trong thôn mỗi khi bắt được rắn đem bán là có tiền, Vân cũng thò tay chụp đuôi con rắn, hòng bắt. Con rắn dữ quay đầu mổ vào cánh tay Vân. Quyết không thả đuôi rắn, cô gái chụp cục đá nện liên tiếp khiến đầu con rắn nát bét, cuộn con rắn cho vào gùi, đi về nhà. Trên đường đi, gặp một người phụ nữ hàng xóm, cô gái hí hửng khoe “chiến tích”. Vừa lúc đó, Vân lảo đảo, tím tái và ngã vật xuống đất vì nọc độc của rắn đã phát tán khắp cơ thể. Người phụ nữ kia hớt hải chạy về thôn báo tin dữ. Lúc mọi người chạy đến, họ sững sờ trước cảnh tượng kinh hoàng: Thi thể cô gái bị bầy ốc bâu kín đen, trong gùi là xác con rắn hổ mang lớn với cái đầu be bét. Đứa con không cha 3 tuổi thực sự mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Gia đình bất hạnh có 3 đứa con chết trẻ
Sự việc Vân bị rắn cắn chết xảy ra đã một năm, nhưng trong hồi ức của người dân xã Hương Sơn, nỗi kinh hoàng thương tâm khi chứng kiến thi thể người phụ nữ bị ốc bâu kín, nằm bên cạnh chiếc gùi chứa xác con rắn hổ mang lớn, vẫn chưa hề phai nhạt.
“Nhà cửa đã nghèo xơ nghèo xác, buổi chiều đưa thi thể Vân về, cảnh nhà càng thê lương hơn”, một người dân địa phương kể với giọng thương cảm. Vậy nên, trong thôn mỗi người một tay lo đám tang cho người phụ nữ lúc sống cho đến lúc chết đều long đong lận đận, chưa từng ngày nào cảm nhận được niềm hạnh phúc giản dị của cuộc đời bình thường.
Một thanh niên địa phương dẫn đường đưa chúng tôi đến nhà bà Hồ Thị Năm. Trong ngôi nhà cũ kỹ tuềnh toàng, chỉ mình bà Năm ở nhà cùng đứa cháu ngoại. “Hôm đó, gia đình chúng tôi lên nương rẫy cả, Vân ở nhà tự động vào suối trong rừng cách nhà chừng 6km để mò ốc, mới xảy ra cơ sự. Nọc độc rắn ngấm, Vân ngã xuống chết, nên ốc bò ra bâu người nó thôi”, mẹ của nạn nhân ngậm ngùi lý giải.
Tuy nhiên, trong sâu thẳm ánh mắt của người phụ nữ mới 55 tuổi, nhưng đã có vẻ như một bà già, ánh lên một cảm giác sợ hãi mông lung. Cái cảm xúc “đặc biệt” cứ mãi khiến người phụ nữ này day dứt không yên bắt đầu từ việc “trời” giáng tai ương xuống gia đình khốn khó. Hai người con trai của bà cứ tròn 20 tuổi là phải bỏ mạng vì những căn bệnh hiểm nghèo. “Lúc Vân gặp nạn, trước đó bốn tháng, đứa em trai nó cũng vừa mới qua đời”, người mẹ buồn rầu kể. Tang tóc chồng lên tang tóc. Đứa con gái số phận kém may mắn lại chết một cách thảm thương, càng khiến ánh mắt bà Năm u uất. Chúng tôi hỏi bà về việc có đúng dân làng chôn con rắn cạnh mộ Vân, bà gật đầu xác nhận, rồi lặng lẽ đến gian giữa nhà, vén tấm rèm để lộ 3 bức di ảnh của 3 đứa con đã khuất, trên bàn thờ lạnh khói hương. Có vẻ như bà không muốn tiếp tục trải lòng về những điều thương tâm, lạ lùng, nhất là về việc chôn con rắn lớn cạnh mộ đứa con gái bất hạnh.
Theo mô tả của một thanh niên địa phương, nghĩa địa nơi chôn cất “vợ chồng”, Vân nằm cách xa thôn làng. Thanh niên địa phương mà chúng tôi nhờ dẫn đường cho biết, đường đến nghĩa địa mất chừng 1 giờ đồng hồ đi bộ vì rất khó đi, không thể sử dụng xe máy. Năn nỉ hồi lâu, nhưng thanh niên này nhất quyết không chịu dẫn chúng tôi đến nghĩa địa. “Đến mộ làm gì?”, người dẫn đường lắc đầu quầy quậy. Nhưng sau đó, mới hé lộ nguyên nhân thật sự vì sao người thanh niên này sẵn lòng dẫn chúng tôi đến tận cùng “hang cùng ngõ hẻm” nào trong xã, ngoại trừ nơi chôn cất người chết.
Theo bà mẹ, từ khi con gái chết, được dân làng chung tay mai táng cho mồ yên mả đẹp, gia đình chỉ đến mộ hương khói một lần vào dịp Tết. Hỏi vậy bà có thắp hương cho ngôi mộ con rắn chôn bên cạnh mộ con không, bà giận dữ lắc đầu quầy quậy: “Nó là kẻ thù, gây ra cái chết của con tôi, thắp hương làm gì”.
Nhìn vào ánh mắt u uất, giận dữ của bà Năm lúc ấy, chẳng ai dám hỏi tiếp. Nhưng qua câu chuyện với một người phụ nữ dân tộc vùng núi rừng Nam Đông, chúng tôi mới hiểu ra, người dân ở đây có tục lệ sau khi đã chôn cất người chết, họ rất ít khi lai vãng đến nơi yên nghỉ linh thiêng của những “hồn ma”. Có lẽ, họ sợ “hồn ma” người chết theo về quấy nhiễu. Khi đi chôn cất, người còn sống hứa với người chết mỗi năm sẽ đến thăm vào dịp nào, thì đúng dịp đó người ta mới đến nghĩa địa, hương khói. Dịp này, gia đình nào có điều kiện thì sắm thêm lễ vật cúng bái, nếu nghèo quá, họ chỉ mang hương đến thắp. Cả năm chỉ hương khói một lần nên nơi yên nghỉ của những người đã khuất càng hoang vu, thê lương, thảm đạm.
Chỉ đứa trẻ mình đang ôm trong lòng, bà Năm buồn buồn kể: “Đây là con của đứa con gái còn sống duy nhất của tôi. Bốn đứa thì hết ba đứa làm ma rồi. Hai thằng con trai chết lúc chưa có vợ đã đành. Con Vân bị rắn cắn chết, để lại thằng cu bơ vơ trên đời”. Theo tâm sự của bà Năm, dù mẹ của đứa trẻ là người bị bệnh tâm thần, nhưng nếu có mẹ vẫn còn hơn không. Nay bé trai đã 4 tuổi, đang đi học lớp mẫu giáo. “Thời gian đầu mẹ mới mất, nó nhớ hơi mẹ kêu khóc suốt. Dù mẹ nó không được tỉnh táo, nhưng cũng là người ôm ấp nó, cõng nó trên lưng. Trong những đêm khuya, chợt tỉnh giấc, không có mẹ bên cạnh, tiếng khóc của đứa trẻ mồ côi càng thương tâm. Riết rồi nó cũng quen. Nhưng nhìn nó vẫn tội nghiệp lắm vì quá nhiều thiệt thòi”, bà Năm nghẹn lời bỏ nửa chừng câu nói.
Nguồn: Xa Lộ Pháp Luật