Theo luật sư, MobiFone nên công bố giá trị các thương vụ lớn. Khi có con số cụ thể thì sẽ có cơ sở phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác giám sát hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước.
Những ngày qua thông tin cơ quan chức năng sắp thanh tra thương vụ MobiFone mua lại Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đang khiến dư luận xôn xao.
Một trong các nội dung mà dư luận quan tâm là giá trị thương vụ này là bao nhiêu.
Nhiều ý kiến cho rằng thương vụ này phải được công khai rộng rãi trong dư luận bởi MobiFone là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Lực cho biết, theo thông tin trên báo chí, tháng 1/2016, MobiFone hoàn tất thương vụ mua 95% cổ phần của AVG. Khi công bố thương vụ này MobiFone là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tuy nhiên giá trị mua bán bao nhiêu thì không được hai bên tiết lộ.
Thương vụ lớn của MobiFone gây sự chú ý của dư luận - Ảnh: Internet |
Câu hỏi đặt ra là MobiFone có nghĩa vụ phải thông báo giá trị Hợp đồng mua bán này hay không, người dân có quyền được biết hay không?
Luật sư Lực phân tích, về nghĩa vụ công bố Thông tin của Doanh nghiệp Nhà nước được quy đinh tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 “Về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước” theo đó khoản 1 Điều 4. Yêu cầu thực hiện công bố thông tin: “1. Việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước”
Điều 20. Các thông tin phải công bố bất thường “Doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và công bố công khai các thông tin bất thường khi xảy ra một trong các sự kiện quy định tại Khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp ngày 26/11/2014.”
Điểm h khoản 1 điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định sự kiện: “Có quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác” là sự kiện Doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường.
“Như vậy trường hợp này quy định pháp luật buộc Doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm công bố thông tin; nhưng Nghị định này cũng không có nội dung yêu cầu Doanh nghiệp Nhà nước bắt buộc phải công bố chi tiết từng giá trị của các giao dịch mà Doanh nghiệp đã thực hiện. Có lẽ đây cũng là một điểm hở trong Nghị định mà MobiFone vận dụng để thông báo về thương vụ mua bán nhưng không công bố con số giá trị Hợp đồng mua cổ phần AVG”- luật sư Lực nói.
Luật sư Lực cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên để đảm sự giám sát của xã hội đối với Doanh nghiệp Nhà nước như trích dẫn trên đây thì tôi cho rằng để tránh những lùm xùm, dự luận xã hội không tốt thì MobiFone nên công bố giá trị thương vụ này. Khi có con số cụ thể thì sẽ có cơ sở phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác giám sát hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước”.
Luật sư Lực phân tích thêm, ngoài quy định trên thì theo Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định tại Điều 18 về công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước: “1. Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai các nội dung sau đây: c )Các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính;”
Kinh doanh lĩnh vực truyền hình không phải ngành nghề kinh doanh chính của MobiFone, đây là khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính nên họ có trách nhiệm phải công bố khoản đầu tư này. Theo quy định này MobiFone không công bố giá trị thương vụ mua lại 95% cổ phần AVG là vi phạm quy định về công bố thông tin của Luật phòng chống tham nhũng.
“MobiFone phải tuân theo quy định quản lý tài chính của doanh nghiệp Nhà nước trong thương vụ mua bán này, họ phải lập dự án đầu tư và trước khi thực hiện họ phải cơ quan chủ quản phê duyệt cho phép thực hiện hoạt động đầu tư. Hoạt động định giá trong vụ mua bán này là đặc biệt quan trọng, nó quyết định giá mua phù hợp với giá trị thực của AVG, đảm bảo hiệu quả của hoạt động đầu tư, không gây thất thoát tài sản Nhà nước” – Luật sư Lực cho biết.
Tiểu Phương (ghi)