Em cho biết, theo dõi thông tin về chủ trương kỳ thi quốc gia và cảm thấy khá lo lắng, nên mong muốn được nói ra ý kiến và tâm nguyện của mình như một sự trải lòng, gợi ý, đóng góp cho kì thi quốc gia chung. Em cũng mong muốn nguyện vọng của mình đến được tay Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo ngành giáo dục.
Chúng tôi trích đăng bức thư này, mang theo đó là tâm nguyện của cậu học trò nhỏ nhưng suy nghĩ thì không nhỏ.
Đổi mới kì thi không phải là tất cả
Em lấy làm lạ khi nhiều thầy cô bộ môn, nhiều thầy cô hiệu trưởng các trường Đại học lại cho rằng phương án 2 - thi theo bài là sự lựa chọn tối ưu, "giúp" học sinh không còn học lệch. Em không đồng tình. Những lứa học sinh 1997, 1998, 1999 là những em có hơn 10 năm quen với việc học theo môn và học lệch. Chúng em đã quen với việc học Sử thì thi Sử, học Địa thì thi Địa ... chứ chưa từng biết đến chuyện tích hợp hai môn học này vào một đề thi, bài thi.
Chúng em cũng đã quen với việc học lệch. Tại sao em lại nói như vậy? Báo chí hay nói nhiều về những thủ khoa, á khoa học đều các môn. Nhưng không thể dựa vào đó để kết luận học đều các môn vẫn có cơ hội đỗ Đại học. Thứ nhất, có nhiều trường chuyên sẵn sàng nâng điểm các môn cho học sinh đối với những môn không thi đại học hay không có trong khối thi mà học sinh đó đăng kí.
|
Kỳ thi quốc gia sẽ được tổ chức trong năm 2015? |
Thứ hai, cho dù có thật những thủ khoa, á khoa không học lệch đi nữa, thì đó cũng chỉ là những cá nhân ít ỏi, xuất chúng. Riêng chúng em thì cần học lệch để đảm bảo xác suất đỗ những trường đại học lớn là cao nhất và rủi ro thi trượt là thấp nhất. Tò mò là một bản năng của loài người, khát khao học hỏi tri thức là điều chúng em luôn rạo rực. Vậy tại sao chúng em phải học lệch?
Tại sao một người thi khối D như em sẵn sàng không đếm xỉa đến Vật lí, Hoá học, Sinh Học, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học ...và thậm chí cả Lịch sử? Vì những môn học đó thật nhàm chán. Em cảm thấy ngạc nhiên khi giở những quyển sách vật lí của các nước phát triển, có quá nhiều hình ảnh minh hoạ rất dễ hiểu và thú vị. Còn sách Vật lí của nước ta? Chỉ có công thức và bài tập.
Cách diễn đạt lại rất hàn lâm và khó hiểu. Sách Giáo dục công dân (GDCD) thì em xin có một nhận xét đau lòng rằng đây là bộ sách giáo dục đạo đức kém hiệu quả nhất trong lịch sử loài người.
Mỗi phòng thi ra 24 đề thi có nội dung khác nhau nhưng tương đương, thí sinh muốn nhìn bài cũng khó, hội đồng thi muốn ném bài cũng không đủ thời gian giải đề.
GDCD lớp 10 đưa ngay những khái niệm quá tầm về triết học dạy cho các em học sinh chưa đủ tuổi thành niên. Thậm chí như PGS Văn Như Cương đã nói chính ông vẫn không hiểu những lí luận đó và càng không hiểu vì sao các em học sinh lớp 10 phải hiểu, thuộc chúng? Trong khi đó những tâm lí đạo đức như Lòng kính trọng, Lòng biết ơn, Sự hối hận, Lòng tự trọng ... là những vốn quý trong văn hoá đạo đức người Việt thì lại không hề được nhắc đến một cách có hiệu quả.
Chính Bộ giáo dục đã độc quyền Sách giáo khoa, đã tạo ra một bộ sách giáo khoa với ba điều khó: khó hiểu, khó để tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế.
Chính bộ sách "ba khó" này và kì thi 3 chung phân ban (vốn là một quyết định sai lầm chiến lược của Bộ vào năm 2002) đã đẩy học sinh vào xu thế "phải học lệch để tối ưu hoá cơ hội đỗ Đại Học", chấp nhận từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức.
Ấy thế mà, tại sao Bộ cũng như các Thầy Cô không cố gắng hiểu bản chất vấn đề tại sao học sinh chúng em phải học lệch, mà chỉ cố gắng xoay sở tạo ra một kì thi quốc gia chung để buộc chúng em không thể học lệch được nữa?
Sự can thiệp như thế liệu có hiệu quả không - khi mà đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông vẫn bế tắc, và liệu có thô bạo đối với chúng em không? Và liệu có thể hiện được trách nhiệm của Bộ Giáo Dục trong việc "trồng người" như lời Bác Hồ từng nhắc nhở?
Xin đừng mạo hiểm tương lai nhiều thế hệ một cách thiếu trách nhiệm chỉ vì một chút vội vàng, một chút danh dự, một chút bảo thủ.
Chúng ta không thể một bước tới trời, không thể quá kì vọng và mơ mộng cho rằng chỉ đổi mới kì thi là một tương lai tốt đẹp đầy nắng và gió sẽ đón chờ nền giáo dục nước nhà, dù không thể phủ nhận đổi mới thi cử có tác động không nhỏ đến thái độ học tập của học sinh.
Nhưng, xin hãy lưu tâm đó vẫn chỉ là một nhiệm vụ trong rất nhiều nhiệm vụ cần làm để chấn hưng nền giáo dục nước nhà mà thôi.
Phương án 0 - Sự lựa chọn thấu tình đạt lí.
Thật sự, phương án 0 - bỏ kì thi tốt nghiệp và tiếp tục duy trì kì thi tuyển sinh Đại học - Cao đẳng cho đến khi lứa học sinh 1999 hoàn thành kì thi là sự lựa chọn hoàn hảo nhất.
Giáo Sư Ngô Bảo Châu đã trình bày rất nhiều quan điểm ủng hộ phương án này nên em không lập lại. Em chỉ xin triển khai thêm: trong 3 năm 2015 - 2017, Bộ Giáo Dục hoàn toàn có thể vứt bỏ bộ sách giáo khoa "3 khó" hơn 10 năm tuổi kia và biên soạn lại nhiều bộ sách mới cho các đối tượng học sinh khác nhau.
Trung bình mỗi năm nước ta có hàng chục vụ học sinh chết đuối, nhưng từ lớp 1 đến lớp 12, chúng em không hề được dạy về bơi lội.
Tai nạn giao thông là một quốc nạn nhưng chúng em không hề được dạy cặn kẽ về kĩ thuật lái xe và văn hoá khi tham gia giao thông.
Trung bình mỗi năm nước ta có 1000 vụ xâm hại tình dục, 65,9% trong đó là xâm hại tình dục trẻ em, nhưng những gì chúng em được học về giới tính, về khả năng kiềm chế ham muốn tình dục để không thành kẻ xâm hại, về cách bảo vệ mình và người khác trước nguy cơ xâm hại tình dục là con số 0 tròn trĩnh...
|
Ảnh minh họa |
Thay vì Bộ Giáo Dục quá bận tâm vào việc đổi mới một kì thi vốn không thể rốt ráo đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, thì em mong Bộ hãy dốc toàn bộ sức lực, tâm can vào công cuộc tái kiến thiết, chấn hưng nền giáo dục nước nhà, bắt đầu từ việc cách mạng tư duy giáo dục: chuyển từ tư duy bao cấp sang tư duy không bao cấp.
Vấn đề niềm tin trong ngành giáo dục
Cứ mỗi khi Bộ giáo dục định giao quyền tổ chức kì thi tuyển sinh quốc gia cho địa phương thì ngay lập tức xuất hiện những luồng dư luận phản đối vì tính công bằng và minh bạch. Tại sao những người làm giáo dục lại mất lòng tin vào nhau như thế? Vì bệnh thành tích. Vậy tại sao có bệnh thành tích? Vì có những người quá chú trọng vào thành tích.
Vậy tại sao có những người quá chú trọng vào thành tích? Đến đây thì có nhiều lí do nhưng lí do chính yếu nhất là việc Bộ Giáo Dục và các Sở Giáo Dục đã dựa trên thành tích (những con số, những số liệu thống kê...) quá nhiều, dựa một cách duy ý chí để đánh giá chất lượng, sự thành công hay điểm chưa hoàn thiện của một ngôi trường, của một người thầy, của học trò.
Điều đã được chứng minh khi nhiều giáo viên lên tiếng rằng mình đã bị khiển trách khi buộc học sinh chưa đủ chuẩn lên lớp phải ở lại lớp; và bị "cắt thi đua", "giảm lương" thậm chí là "kỉ luật" khi tỉ lệ, số lượng học sinh giỏi, khá, trung bình ... không đạt "chuẩn".
Có em học sinh đã ca thán rằng bị thầy cô, thậm chí là thầy cô hiệu trưởng ép phải tham dự kì thi học sinh giỏi ở tỉnh và quốc gia, nếu không sẽ bị "hạ hạnh kiểm"?
Vậy tại sao lại có những người lãnh đạo duy ý chí trên những con số thành tích để gây nên căn bệnh này? Vì họ không đủ tài, không đủ tâm và không đủ tầm để lãnh đạo nên buộc phải đưa ra những con số cứng nhắc để làm chủ được chất lượng giáo dục, dù cho, nó không hiệu quả và gây nên những hệ quả tồi tệ.
Dù sao, với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà Nước cùng toàn thể thầy cô và học sinh trên mọi miền đất nước, thể hiện rõ qua những thông điệp mạnh mẽ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, em tin kì thi quốc gia 2015 sẽ tìm cho mình được phương án phù hợp nhất, cũng như em tin rằng vài năm nữa thôi, nền giáo dục nước nhà sẽ được chấn hưng mạnh mẽ, cách mạng triệt để, bình mới rượu mới để đưa đất nước Việt Nam phát triển phú cường, phồn vinh.
Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: Đại dịch Ebola: "Mẹ thiên nhiên" bắt loài người trả giá.