Tính đến cuối ngày 11/10 đã có 29 người chết, 21 người mất tích tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ do mưa lũ hoành hành.
Người lao động và Vietnamnet cho hay, theo UB Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, hôm qua ngày 11/10, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Thủy điện Hòa Bình đã phải mở 7 cửa xả đáy. Ảnh: Dân Việt |
Một số nơi xuất hiện mưa rất to như Phù Yên (Sơn La): 188mm, Sáp (Lào Cai): 90mm, Bái Thượng (Thanh Hóa): 236mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An): 133mm...
Nước ngập đến mái nhà tại Ninh Bình. Ảnh: Vietnamnet |
Đến 17h cùng ngày mưa lũ làm 29 người chết, 21 người mất tích, 14 người bị thương. Ngoài ra, 62 ngôi nhà bị sập; ngập 6.018 nhà; hư hại 47.250ha hoa màu, thủy sản; sập 4 cầu.
Do tác động của Không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu áp thấp, dự báo hôm nay, khắp Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to.
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc TT Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ cho biết lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức cao chưa từng có, 15.000 m3/s, buộc thuỷ điện phải xả 7 cửa (đóng 1 cửa lúc 13h45) nên dự báo trong hôm nay, lũ trên các sông ở Thanh Hoá sẽ lên rất nhanh.
Dự báo đến trưa nay 12/10, lượng mưa tiếp tục duy trì khoảng 100mm từ nam Sơn La đến bắc Nghệ An, trọng tâm là Hòa Bình và Thanh Hóa.
Thủy điện Sơn La đã tạm dừng phát điện để giảm lượng nước từ Sơn La xuống Hòa Bình (bảo đảm khả năng cắt lũ cho hạ du từ hôm nay đến ngày mai), hồ chứa thủy điện Hòa Bình tính toán được lưu lượng nước vào lên tới gần 16.000 m3/s và liên tục phải mở 8 cửa xả đáy. Các hồ chứa thủy lợi cũng đang ở mức rất cao và đã xảy ra một số sự cố hồ.
Ngoài ra, dự báo hiện có áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khơi, nhiều khả năng sẽ thành bão trên Biển Đông. Kết hợp với không khí lạnh tăng cường, nhiều khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ tập trung từ Quảng Trị đến bắc Bình Định. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, có khả năng xảy ra tình huống rất nguy hiểm khi mưa lớn, gió mạnh cùng lúc bão đổ bộ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các địa phương, cơ quan có liên quan triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, hạn chế thiệt hại cho người dân và thực hiện nghiêm túc công điện chỉ đạo số 1533/CĐ-TTg ngày 11-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, ven sông suối; kiểm soát, hướng dẫn việc đi lại trong vùng lũ, nhất là các khu vực ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết; tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Hồng Hạnh (tổng hợp)