Đang là học sinh lớp 7 nhưng nam sinh Nguyễn Lê Gia Thịnh đã thiết kế thành công phần mềm y khoa “ Sức khỏe cho mọi người”.
Theo thanh niên đưa tin, một học sinh trung học cơ sở vừa chế tạo thành công phầm mềm y khoa có tên “Sức khỏe cho mọi người”. Đó là em Nguyễn Lê Gia Thịnh học sinh lớp 7 trường THCS Lê Quý Đôn, Tp. Vị Thanh, Hậu Giang.
Thịnh đang cập nhật thêm dữ liệu vào phần mềm (Tuổi trẻ) |
Phần mềm y khoa này giúp cho các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, bệnh nhân có thể dễ dàng tra cứu bệnh lý, phương pháp điều trị, sự tương tác của nhiều loại thuốc. Đồng thời nhờ những giao diện thân thiệt cách, tương tác đơn giản phần mềm giúp cho mọi người đều có thể dễ dàng sử dụng .
Được biết, việc sáng tạo phần mềm này được Thịnh sáng tạo xuất phát từ chính tình thương yêu đối với những người thân yêu trong gia đình.
Mẹ Thịnh là bác sĩ trưởng khoa nội bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang. Nhiều khi thấy mẹ phải thức thâu đêm mải miết suy nghĩ về phác đồ điều trị, cập nhật những phác đồ mới khiến cho cậu bé 13 tuổi không khỏi thương xót nên Thịnh đã muốn làm điều gì đó giúp mẹ.
Còn anh trai Thịnh hiện đang là một sinh viên y khoa cũng mong muốn có được một cuốn sổ bách khoa toàn thư y khoa bỏ túi để có thể thuận tiện cho việc học tập.
Vậy là nhân dịp nghỉ hè năm lớp 6, nam sinh này đã nhanh chóng bắt tay vào việc nghiên cứu sáng tạo và 6 sau tháng miệt mài tìm hiểu phần mềm “Sức khỏe cho mọi người” ra đời.
Nói về phầm mềm của mình Thịnh chia sẻ trên báo Hậu Giang: “Sở dĩ em chọn viết phần mềm này vì em muốn giúp đỡ cha, mẹ đỡ tốn thời gian trong quá trình tra cứu phác đồ điều trị bệnh cho bệnh nhân, giúp anh trai có một quyển sách y khoa toàn thư bỏ túi thuận tiện cho việc học và cũng là mong muốn hạn chế những sai sót trong điều trị bệnh”.
Để có nguồn dữ liệu chuẩn xác, Thịnh đã phải sưu tầm tất cả các tài liệu từ sách vở, trên mạng về y khoa của các nước tiên tiến và cả những bệnh viện lớn trong nước để chọn tài liệu chính thống.
Mặc dù vậy nhưng cha mẹ Thịnh vẫn chưa yên tâm về phần mềm vì chưa được các cơ quan chuyên môn thẩm định. Vì vậy, cha mẹ đã động viên em gửi phần mềm này đi dự thi. Kết quả bất ngờ khi đề tài của em đã vượt qua rất nhiều đề tài khác để giành giải nhất Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2014 và cuộc thi cuộc thi sáng tạo dành cho tuổi thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hậu Giang 2015.
Hiện phần mềm đã cập nhật hơn 300 phác đồ điều trị. Gia Thịnh cũng bỏ công sức tìm kiếm khoảng 7.000 loại thuốc khác nhau để đưa phần “tương tác thuốc” của phần mềm.
Phần mềm có các chuyên mục như: phác đồ điều trị bệnh, sự tương tác của các loại thuốc, tư vấn sức khỏe, kiến thức y khoa, các quy trình kỹ thuật…
Theo Bác sĩ Mai Văn Thắm (Bệnh viện đa khoa Hậu Giang) cho biết trên Tuổi trẻ: “Trước đây muốn tra cứu bệnh lý hay tìm một loại thuốc phải tra phác đồ điều trị gần cả ngàn trang, mất rất nhiều thời gian và công sức. Từ khi có phần mềm này, công việc thuận lợi và tiết kiệm thời gian rất nhiều.
Theo tôi, phần mềm rất hữu ích cho bác sĩ, điều dưỡng trong việc tra cứu bệnh lý cũng như có thể tiếp cận kiến thức mới, ôn lại kiến thức cũ và trao đổi kiến thức y khoa thông qua những tài liệu, bài tập được cập nhật hằng tháng. Phần mềm lại đơn giản và dễ sử dụng”.
Không chỉ giỏi trong việc sáng tạo khoa học kỹ thuật Thịnh còn là một học sinh có bảng thành tích học tập đáng nể với 7 năm liền là học sinh giỏi toàn diện, Giải nhất hội thi Tin học trẻ cấp tỉnh năm học 2012-2013 với phần mềm “Học toán nhanh”, giải nhì cuộc thi tiếng Anh qua mạng internet cấp toàn quốc năm học 2012-2013, giải nhất “Phần mềm học tiếng Anh” cuộc thi Thanh thiếu niên sáng tạo cấp tỉnh năm học 2013-2014, giải nhì môn tiếng Anh cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh năm học 2014-2015, huy chương bạc cuộc thi tiếng Anh qua mạng internet cấp toàn quốc năm học 2014-2015,…
Trên Thanh niên, cậu học trò 13 tuổi còn thổ lộ: “Những kết quả trên chỉ là bước đầu và phía trước là chặng đường rất dài để em tiếp tục phấn đấu. Năm học 2015 - 2016 em lên lớp 8, cùng với học thật giỏi thì em đang ấp ủ giấc mơ là thiết kế “Phòng khám điện tử” để mọi người đỡ vất vả do phải chờ đợi quá lâu mỗi khi tới bệnh viện khám bệnh”.
Hạ Vân (tổng hợp)