Tin mới

Nam sinh lớp 12 chế tạo hệ thống báo cháy tự động qua Internet

Thứ hai, 19/10/2015, 11:54 (GMT+7)

Nam sinh Lê Ngô Duy Phong, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Bài (TT Huế) vừa chế tạo thành công hệ thống báo cháy tự động qua Internet.  

Nam sinh Lê Ngô Duy Phong, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Bài (TT Huế) vừa chế tạo thành công hệ thống báo cháy tự động qua Internet.

Theo Thừa Thiên Huế Online, với đề tài hệ thống báo cháy tự động qua Internet đã mang về cho Phong nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi như: Giải nhất trong cuộc thi Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế 2015, giải Nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, giải Nhất Cuộc thi tin học trẻ cấp tỉnh, giải Ba Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXI năm 2015...

Phong đạt được rất nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi (Thừa Thiên Huế Online)

Chia sẻ về ý tưởng chế tạo hệ thống báo cháy tự động qua Internet của mình nam sinh Lê Ngô Duy Phong cho biết trên báo Thanh Niên : “Thời gian qua, em thấy rất nhiều vụ cháy diễn ra liên tục. Nhiều vụ cháy lớn do không được phát hiện kịp thời, không chỉ thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng tính mạng con người. Vì thế, em đã ấp ủ ý tưởng sáng chế đề tài này”.

Để thực hiện đề tài này Phong phải mất 4 tháng tự tìm hiểu. Từ tháng 8/2014, Phong bắt tay vào nghiên cứu, đến tháng 12/2014 thì hoàn thành.

Thiết bị báo cháy tự động qua Intrnet (Thanh Niên)

 

Theo Phong, hệ thống thông báo gồm có 2 phần chính gồm thiết bị báo cháy và phần mềm báo cháy thông qua mạng Internet. Thiết bị báo cháy sẽ liên tục kiểm tra những chỉ số của môi trường như nhiệt độ, khí gas, khói... và nếu phát hiện vượt quá ngưỡng cho phép sẽ tự động báo báo bằng còi, khởi động thiết bị quạt gió và gửi lện đến phần mềm báo cháy.

Chẳng hạn như khi nồng độ khí gas vượt quá ngưỡng cho phép thì thiết bị sẽ tự động báo bằng còi và tự động khởi động quạt thông gió.

Phần mềm báo cháy khi nhận lệnh sẽ tự động định vị vị trí cháy, biểu diễn các thông số của môi trường đo được ở địa điểm cháy. Điều này giúp cho Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) dễ dàng phát hiện nơi đang xảy ra cháy và đến hiện trường chữa cháy kịp thời.

Còn đối với trường hợp không có Internet, thiết bị sẽ tự động khởi động module sim 900A, thực hiện gửi tin nhắn báo cháy kèm mã số đăng ký của thiết bị đến Cảnh sát PCCC tỉnh.

Nói về sáng chế của mình Phong cho biết: "Tối đa trong vòng ba giây, thiết bị sẽ chuyển file thông số môi trường đến phần mềm báo cháy. Ngoài ra, thiết bị có thẻ nhớ sẽ lưu thông số đo được trong 24 giờ. Sau một ngày, nếu thông số bình thường, thiết bị sẽ tự hủy thông số và đo mới ngày tiếp theo. Vì thế, thiết bị như “chiếc hộp đen” sẽ góp phần giúp Cảnh sát PCCC tìm ra nguyên nhân cháy nổ qua các thông số còn lưu được. Nếu sản xuất đại trà, kinh phí hoàn thành cho một thiết bị chưa đến 1 triệu đồng”, Thanh Niên dẫn lời.

Theo thầy Hoàng Minh, Phó hiệu trưởng, người trực tiếp hướng dẫn Phong trong việc thực hiện đề tài này trả lời trên báo Thừa Thiên Huế Online cho hay: Sau khi Phong trình bày về ý tưởng ban đầu của mình, chúng tôi đã động viên em nghiên cứu. Khả năng nắm bắt các kiến thức của Phong rất nhanh nhạy. Nhờ đó mà thời gian thực hiện đề tài được rút ngắn so với dự kiến ban đầu. Không chỉ đạt nhiều giải quan trọng tại các cuộc thi khoa học, công nghệ dành cho học sinh, đề tài này được Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh thẩm định và đánh giá là sản phẩm có tính sáng tạo, hỗ trợ trong công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo tính mới, tính khả thi và khả năng ứng dụng trong đời sống Nhân dân”.

Hạ Vân (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news