Mỗi dịp nghỉ lễ, một vấn đề nhức nhối bấy lâu nay luôn được báo chí phản ánh đó là tình trạng tăng giá vé, nhồi nhét hành khách. Thực trạng này lặp đi lặp lại năm này qua năm khác. Thế nhưng, nó như một căn bệnh nan y khó chữa khi cứ mỗi dịp nghỉ lễ, đặc biệt là nghỉ Tết Nguyên đán, người dân lại than trời vì bị nhà xe ép giá, nhồi nhét.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết:
Việc nhà xe tự ý tăng giá vé, chèn ép hành khách năm nào cũng diễn ra, tuy nhiên vấn đề này lại rất khó xử lý. Với những tuyến cố định tại bến xe, chúng tôi đã yêu cầu nhà xe đăng ký giá tuyến. Đồng thời, trong năm qua, thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính, các ngành chức năng ở Hà Nội đã nhiều lần thúc giục các doanh nghiệp kê khai giảm cước vận tải phù hợp với giá xăng dầu.
Hầu hết, các doanh nghiệp vận tải đều đã có báo cáo về giá cước mới nộp về BQL bến xe.
Tuy nhiên, trong quá trình phục vụ hành khách, nhất là dịp nghỉ lễ quan trọng như Tết Nguyên đán, nhiều nhà xe vẫn tự ý tăng giá vé, gây bức xúc trong nhân dân. Nhưng việc xử lý những nhà xe này lại rất khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng cũng chưa có ý thức mua vé xe tại bến, hoặc mua qua hệ thống phân phối của những doanh nghiệp vận tải hành khách. Khi khách hàng bị ép giá, cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý. Lý do nữa là vì đa phần, số hành khách này bắt xe dọc đường.
“Ngày tết, ai cũng mong muốn về nhà thật sớm vì thế, có nhiều trường hợp bị nhồi nhét, ép giá nhưng họ không phản ánh mà chấp nhận thực trạng này. Thói quen này của người dân cũng khiến cho nhà xe ‘nhờn’ rồi vì nhu cầu nên họ cứ mặc nhiên vi phạm”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Người dân chờ mua vé.
Ghi nhận của PV tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội như Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm và Mỹ Đình, hầu hết người dân đều phải xếp hàng rất lâu để mua được vé xe. Cứ mỗi dịp lễ tết nhu cầu người dân sống, học tập và làm việc ở thành phố tăng cao. Thế nên dẫn đến việc quá tải tại các bến xe, các kiot bán vé quá ít không kịp và không đủ để phục vụ nhu cầu cho người dân.
Về vấn đề này, ông Tuấn trăn trở: “Việc để người dân phải xếp hàng mua vé, thậm chí là thức nhiều đêm để mua được vé hoặc không mua được vé là nỗi trăn trở của chúng tôi cũng như của các cơ quan chức năng và người dân nhiều năm nay.
Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để có hệ thống bán vé xe qua mạng internet (bán vé điện tử), hoặc mở kiot bán vé và có đủ lượng xe và lượng hành khách đi thường xuyên để bán vé. Có nhiều tuyến hay nhiều nhà xe chỉ có 1 xe chạy phục vụ khách, chỉ những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ lượng khách mới đông. Vì thế, những nhà xe như thế này không thể mở kiot bán vé, hay mở hệ thống bán vé qua mạng. Nếu không có vé, khi người dân bị chèn ép giá rất khó xử lý. BQL bến xe cũng đã cân nhắc đến việc tăng bàn bán vé, tuy nhiên đó chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu về dài thì chính cách nhà xe nhỏ nếu không đủ tiềm lực thì phải có sự liên kết lại với nhau, để từ đó, đủ tiềm lực kinh tế hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn. Qua đó, việc quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước cũng sẽ thuận tiện hơn. Và cuối cùng, hành khách cũng là người được hưởng lợi từ dịch vụ chuyên nghiệp.
Hiện nay, bến xe Mỹ Đình đang mở rộng quy mô, quy hoạch hiện đại hơn để phục vụ hành khách.”
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay nếu hành khách xuất bến từ bến xe nào nếu bị nhà xe ép giá, thu phí không đúng với quy định thì có thể thông báo về đường dây nóng của BQL bến xe nơi xuất bến, để BQL sẽ có biện pháp nhắc nhở, xử lý nhà xe nếu có đủ căn cứ.
Đường dây nóng bến xe Mỹ Đình: Điện thoại: 04-37685549 hoặc 0913 369 497 (Anh Tuấn) |
Đức Thuận