"Bước sang ngày thứ 2, thứ 3 ở trong hầm, tôi nghĩ tới con nhiều hơn, nhớ con, nhớ chồng, bố mẹ già yếu ở quê nhà…”, chị Đặng Thị Hồng Ngọc, nạn nhân nữ duy nhất vụ mắc kẹt hầm thuỷ điện Đạ Dâng kể lại.
Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, trưa nay (22/12), 11 nạn nhân nam trong vụ sập hầm đã được các bác sĩ kiểm tra lại sức khỏe và ra viện. Sau những chuỗi ngày kinh hoàng, họ sẽ trở về quê thăm gia đình.
Riêng người có sức khoẻ kém nhất là chị Đặng Thị Hồng Ngọc phải lưu lại tại bệnh viện để tiếp tục theo dõi.
|
Sức khỏe chị Đặng Thị Hồng Ngọc đã ổn định. (Ảnh: Dân trí). |
Bác sĩ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, cho hay, chị Ngọc đã ổn định sức khoẻ, tuy nhiên sức đề kháng vẫn còn suy giảm nên bệnh viện quyết định lưu lại để tiếp tục theo dõi, sợ xuất viện sớm sẽ làm chị Ngọc bị mắc các bệnh do sự thay đổi thời tiết.
Trong trạng thái tâm lý đã ổn định, chị Hồng bình tĩnh kể lại những giây phút kinh hoàng nhất với PV Dân trí.
Chị chia sẻ, ngay khi hầm bị sập xuống, chị vô cùng sợ hãi nhưng không ngừng hy vọng mình sẽ được sống…, chị khóc không ra nước mắt khi nghĩ về đứa con trai 5 tuổi đang đợi mẹ ở nhà.
Giây phút đầu tiên giải cứu 12 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện:
““Mẹ về với con đi, con cần mẹ thôi…”, câu nói của đứa con thơ của chị cứ văng vẳng bên tai khiến chị càng thêm hy vọng vào sự sống, chị đã hứa với con là “Tết mẹ sẽ về, sẽ mua thật nhiều đồ chơi cho con…. Đứa trẻ đâu ý thức được rằng cuộc sống tha hương cầu thực để mang cuộc sống tốt hơn cho chúng và con trai cứ giận hờn vì mẹ không về, không nói chuyện với mẹ, nó nói bố đi làm rồi thì mẹ ở nhà với con, con cần mẹ thôi”, chị Ngọc rưng rưng.
Chị kể, ngày đầu tiên trong hầm chị vẫn thấy bình thường, bước sang những ngày thứ 2, thứ 3, chị và mọi người bắt đầu thấy hoang mang. “Lúc đó tôi nghĩ tới con nhiều hơn, nhớ con, nhớ chồng, bố mẹ già yếu ở quê nhà…”.
Cậu con trai 5 tuổi của chị Ngọc. (Ảnh: Dân trí). |
Những ngày trong hầm tối, chị Ngọc được coi là người khoẻ nhất vì chị không phải đi lấy thức ăn, mọi người nhường thức ăn cho chị trước, nhường quần áo cho chị, khi chị lạnh được ủ ấm.
Quá trình mắc kẹt trong hầm thuỷ điện là những ngày kinh hoàng nhất của đời chị. Mọi sinh hoạt trong hầm tối đều ở một chỗ, nước trong hầm cứ càng ngày càng dâng lên, mọi người không ai nói lời nào, chỉ im lặng, xích lại gần nhau hơn để ủ ấm cho nhau.
Khi hầm thuỷ điện mới sập xuống, mọi người có đào bới để tìm cách thoát thân, nhưng vô vọng và dừng lại. Lúc ấy, tất cả chỉ biết cầu nguyện. Khi nghe tiếng của lực lượng cứu hộ đang ra dấu bên ngoài, mọi người oà lên “được cứu rồi, sống rồi”. Mũi khoan đầu tiên truyền oxy vào, sau đó cháo, sữa, trà gừng được đưa vào. Mọi thứ đều được hứng đựng vào chiếc mũ bảo hộ lao động.
“Từng người lấy thức ăn từ chiếc mũ đó để dùng, không biết có vệ sinh không nữa nhưng lúc này chỉ biết là cần phải ăn để sinh tồn”, chị Ngọc cười khi nhắc lại chuyện đó.
Ngày thứ tư, tiếng ở ngoài tác động vào lớp đất đá càng mạnh và to hơn, ánh đèn pin từ phía lực lượng cứu hộ rọi vào trong hầm, ánh đèn chiếu sáng cả khu hầm tối. “Không lấy thức ăn nữa đâu, ra rồi, sống rồi” là câu nói chị Ngọc nghe được từ một người cùng mắc kẹt trong hầm.
Hầm đã được thông, bên trong, phía ngoài mọi người đều oà lên. Chị Ngọc là người thứ 3 được đưa ra khỏi hầm, lúc này chị vẫn khoẻ, nhưng sau đó ngất đi vì vui sướng quá, tỉnh lại chị thấy mình nằm trong bệnh viện.
Theo My Vân/ Đời Sống & Pháp Luật