Theo VOV, năm nay thời tiết diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là nắng nóng kéo dài và liên tục trong một quãng thời gian. Nhiệt độ có lúc lên tới hơn 40 độ, độ ẩm không khí cao khiến hàng loạt trẻ em nhập viện. 

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian này, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 2500-3000 lượt bệnh nhân đến khám. Đặc biệt, khoa Cấp cứu - Chống độc của bệnh viện luôn "tấp nập" người ra vào.

Nắng nóng khiến nhiều trẻ em đổ bệnh

Bác sĩ Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 100 ca cấp cứu.

Theo bác sĩ Vinh, bệnh nhân nhập viện chủ yếu là các bệnh lý đặc trưng của mùa hè là sốt virus, tiêu chảy, nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho, chuyển biến nặng hơn là viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não…

Tuy nhiên cũng có một số trẻ nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp biến chứng sang viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt.

Theo các bác sĩ, chính sự thay đổi của thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus…dễ bùng phát và tấn công khiến trẻ rất dễ mắc bệnh vì trẻ em có sức đề kháng còn yếu kém.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian nắng nóng gay gắt, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 2.500-3.000 lượt bệnh nhân đến khám.

Cháu N.P.T, 2 tuổi (Hà Nội) là một trong số những bệnh nhi đã tới khám và điều trị tại bệnh viện.

Theo chia sẻ của gia đình, cháu T. đã ho và sốt 3 ngày nay, rất may cháu chưa bị viêm phổi nhưng vẫn phải dùng kháng sinh, viêm đường hô hấp trên. Tại đây, các bác sĩ dặn và hướng dẫn sử dụng điều hoà hợp lý để tránh để con diễn tiến nặng,

Bác sĩ Vinh cho hay, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt là đường hô hấp dưới là một bệnh đang có xu hướng gia tăng, số trẻ mắc bệnh ngày càng nhiều và diễn biến rất phức tạp.

Bác sĩ khuyến cáo, khi thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ, không cho trẻ ra ngoài lúc nắng gay gắt. Tránh cho bé ở trong phòng điều hòa có nhiệt độ chênh lệch quá nhiều so với ngoài trời, bổ sung đủ nước, dinh dưỡng cho trẻ.

Vào thời điểm mát trời buổi sáng hoặc chiều nên cho trẻ chơi ở những khu vực thoáng mát để được tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Với các bệnh nhi mắc bệnh lý mạn tính nên duy trì đều đặn việc uống thuốc, dinh dưỡng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Nhiều trẻ lúc nhập viện đã biến chứng phải thở máy điều trị viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Những trường hợp càng đến viện muộn, càng kéo dài thời gian tự điều trị thì nguy cơ biến chứng nặng càng tăng hơn, có trẻ tử vong do đến quá muộn.

 

 Báo Vietnamnet đưa lưu ý, cách ngừa hiệu quả cho trẻ:

- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay sạch sẽ,  đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình. Rửa tay được xem như “liều vắc-xin miễn phí” cho mọi người.

- Ăn uống hợp vệ sinh: việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ qui định an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Tạo môi trường sống trong lành: giữ môi trường sống vệ sinh, thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Phụ huynh có thể tạo thói quen ngủ mùng, tham gia phong trào diệt lăng quăng….

- Tăng cường nước, khoáng chất: bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt.

- Thực hiện tốt việc “nuôi con bằng sữa mẹ”: là biện pháp chủ động nâng cao sức đề kháng cho trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi vì sữa mẹ ngoài dưỡng chất quan trọng còn có một lượng kháng thể rất dồi dào giúp trẻ phòng tránh bệnh tật.

- Tiêm ngừa phòng bệnh đủ liều, đúng lịch: phụ huynh cần chủ động tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ với tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất.

Trang Vũ (tổng hợp)