(Tinmoi.vn) “Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc, một quốc gia đáng được tin cậy và tôn trọng nếu họ gây chiến với Việt Nam. Còn nếu khi Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác đem chiến tranh đến với chúng ta thì buộc lòng chúng ta phải bảo vệ đất nước mình”, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Vừa trở về từ Đối thoại Shangri-La (Singapore), thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn trên báo chí về những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông, trong đó có rất nhiều nội dung đáng chú ý.
“Trung Quốc đang tự làm xấu hình ảnh của mình”
Là một tướng lĩnh quân đội, trước những động thái leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua, mà đỉnh điểm là việc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Tôi nghĩ đây là một bước đột phá mới của Trung Quốc muốn thật sự chiếm lĩnh lợi thế và lợi ích trên biển Đông trong phạm vi đường chín đoạn mà họ tự ý vẽ ra.
Đứng trước tình hình như vậy thì chúng ta thấy rằng rõ ràng chủ quyền của Việt Nam bị đe dọa, nói rộng ra là an ninh quốc gia, độc lập tự chủ, hòa bình ổn định của chúng ta bị đe dọa. Chúng ta hết sức quan ngại trước hành động nghiêm trọng này”.
Cho rằng Trung Quốc đã bỏ qua tất cả những thiện chí giải quyết hòa bình của Việt Nam, bỏ qua sự phản đối của dư luận quốc tế, vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý của thời đại và vi phạm những gì Trung Quốc đã cam kết với Việt Nam, tướng Vịnh nhận định: “Họ đã sai lầm khi quyết tâm cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam, bất chấp những điều tối thiểu mà một quốc gia trong thế giới văn minh phải thực hiện”.
Một cú đâm mạnh của tàu Trung Quốc vào tàu cảnh sát biển 2016 trên vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: My Lăng/TTO.
Nói về cách hành xử của Trung Quốc – một nước lớn – với các nước láng giềng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng: “Với tư cách một nước lớn, đông dân nhất thế giới, với một giấc mơ Trung Hoa và họ nói là trỗi dậy hòa bình, vậy thử hỏi là một vài giếng dầu (nếu có) có giá trị gì so với đại cục?
Nhìn rộng hơn, những vấn đề ở biển Hoa Đông, hay tại bãi cạn Scarborough với Philippines thì Trung Quốc được gì so với hình ảnh Trung Quốc không còn là một đất nước trỗi dậy hòa bình nữa. Thay vào đó là một đất nước đơn phương dùng sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế để cưỡng bức nước khác, điều này tôi nghĩ rằng lợi thì ít mà hại thì nhiều”.
Trên cơ sở phân tích cách hành xử “không thể chấp nhận được trong thế giới văn minh, không đem lại lợi ích gì” của Trung Quốc, tướng Vịnh đưa ra lời nhắn nhủ: “Với tư cách một người láng giềng, tôi muốn nói rằng Trung Quốc hãy dừng lại, hãy đi con đường phát triển chính đáng của mình. Họ có thể trở thành một cường quốc, thậm chí là cường quốc số 1 thế giới, nếu họ thật sự đi theo con đường phát triển hòa bình”.
Chiến lược ngoại giao mới đầy hung hăng của giới cầm quyền Trung Quốc
Trước câu hỏi lo ngại về việc Trung Quốc đang áp dụng chiến lược “ngoại giao pháo hạm” như tướng Vịnh đã từng nhận định trước đây, ông Vịnh cho rằng “cần phải tìm một từ ngữ mới để mô tả chiến lược của Trung Quốc”.
“Với những gì Trung Quốc thực hiện trong thời gian qua thì tôi lại nghĩ từ ấy không phù hợp lắm. Ở đây điều đang xảy ra là chiến lược ngoại giao “hạm mà không pháo”, dùng sức mạnh phi quân sự hoặc bán quân sự để áp đặt ý đồ và tham vọng của mình.
Trên thế giới văn minh thì chắc không ai thiết kế tàu biển dùng vào mục đích đâm nhau và thiết kế vòi rồng để tấn công người khác. Đó là chưa kể Trung Quốc đã điều tàu tên lửa, tàu quân sự bao vây vòng ngoài để đe dọa. Sự thật những ngày vừa qua là Trung Quốc đã dùng vũ lực phi quân sự để đe dọa, trấn áp lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam”, ông Vịnh nói.
Tuy nhiên, tướng Vịnh cũng lưu ý rằng, không nên vội vàng kết luận những cách hành xử, chiến lược hung hăng là ý chí của nhân dân và các Đảng viên Trung Quốc, mà đó là vấn đề của lãnh đạo và giới truyền thông Trung Quốc.
“Nếu họ để chủ nghĩa dân tộc cực đoan, lợi ích phi lý lấn át bản chất CNXH thì không có nghĩa là cứ cùng ý thức hệ thì sẽ hợp tác với nhau đầy đủ. Ý thức hệ XHCN có bao giờ cho phép anh đi ngược lại chân lý, đạo lý thời đại, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của nước khác đâu”, tướng Vịnh cho biết.
“Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc, một quốc gia đáng được tin cậy và tôn trọng nếu họ gây chiến với Việt Nam”, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh. Ảnh: Việt Dũng/TTO.
“Nếu Trung Quốc đem chiến tranh đến thì ta buộc phải bảo vệ đất nước”
Nhấn mạnh sự mềm mỏng, thể hiện thiện chí và mong muốn hòa bình nhưng luôn giữ nguyên tắc bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Trong tình hình hiện nay, mọi cách hành xử của chúng ta phải hết sức bình tĩnh, tính toán kỹ càng. Chúng ta không bao giờ tự gây căng thẳng với Trung Quốc, chúng ta không muốn làm xấu mặt Trung Quốc, chúng ta không tranh hơn thua với Trung Quốc - điều chúng ta cần là giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Đừng ai động vào hai giá trị thiêng liêng ấy của chúng ta. Còn Việt Nam có kiên quyết hay không, xin hãy đọc lại lời phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 9 của Tổng bí thư và phát biểu của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội của chúng ta đã thể hiện tại các diễn đàn khác nhau trong thời gian vừa qua”.
“Thông thường có ba cách để giải quyết tình hình như hiện nay: một là thông qua đàm phán chính trị, hai là quân sự đối đầu và ba là đấu tranh pháp lý. Về đàm phán chính trị, đến nay Trung Quốc không bày tỏ thiện chí; quân sự thì chắc chắn là cả hai bên đều không muốn; vậy phải chăng chỉ còn cách thứ ba?”, một phóng viên đặt câu hỏi.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Nói vậy là thiếu chính xác. Không thể vạch ra ba con đường và chỉ chọn một. Để bảo vệ chủ quyền thì chúng ta có nhiều biện pháp được sử dụng cùng lúc, đồng bộ”.
“Gần đây có nhiều người đề cập đến giải pháp kiện ra tòa án quốc tế. Tôi cho rằng đây cũng là một biện pháp đấu tranh hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Kiện đâu phải để là cắt hết, đâu phải là tôi kiện để ông đi tù. Kiện là việc lựa chọn tòa án quốc tế để họ phân xử ai đúng ai sai. Phán quyết của tòa sẽ khiến thế giới hiểu minh bạch, rõ ràng và cũng sẽ giúp Việt Nam và Trung Quốc có cơ sở pháp lý vững chắc để đàm phán xử lý các vấn đề trên biển. Nếu Trung Quốc khăng khăng rằng họ đúng thì hãy cùng với Việt Nam ra tòa án quốc tế”, tướng Vịnh phân tích.
Đồng thời, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nhấn mạnh: “Còn đụng độ quân sự ư? Chúng ta sẽ làm mọi biện pháp để không xảy ra điều đó. Rõ nhất là vừa qua tàu chúng ta bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm, va nhưng chúng ta đã không sử dụng phương pháp thô bạo mà họ đã thực hiện với chúng ta.
Họ đâm chìm tàu ngư dân của ta nhưng ta không đâm chìm tàu ngư dân của họ. Tôi nghĩ đó là sức mạnh, là nhân đạo của Việt Nam chứ không phải là chúng ta sợ.
Còn nếu khi Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác đem chiến tranh đến với chúng ta thì buộc lòng chúng ta phải bảo vệ đất nước mình”.
Tuy nhiên, tướng Vịnh tin tưởng rằng: “Tôi luôn tin yếu tố lợi ích quốc gia sẽ được Trung Quốc cân nhắc kỹ càng với tính toán chiến lược dài hơi của người Trung Quốc nói chung và ban lãnh đạo Trung Quốc nói riêng.
Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không lựa chọn phương án đụng độ quân sự, và nếu như họ lựa chọn thì đó sẽ là sai lầm lớn nhất trong thế kỷ này, sai lầm mang tính chất chiến lược toàn cầu của họ”.
“Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc, một quốc gia đáng được tin cậy và tôn trọng nếu họ gây chiến với Việt Nam”, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Duy Minh (tổng hợp theo nguồn tư liệu báo chí)